LS Hồng Nhung

Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích?

Tội cố ý gây thương tích thì người phạm tội phải chịu hình phạt như thế nào? Nếu có nghi ngờ về hành vi của cán bộ điều tra thì giải quyết thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Kính gửi văn phòng luật Minh Gia! Cho tôi xin được hỏi và tư vấn một số vấn đề tôi cảm thấy khúc mắc. Do mâu thuẫn xích mích giữa em trai tôi và một người khác. Thì trong lúc tức giận em trai tôi có rủ thêm một người bạn cầm theo bình xịt cay để đi dằn mặt người kia, đánh người kia làm người sái quai hàm. Người kia có kiện em trai tôi và được giám định thương tích tổn hại 15% sức khỏe, gia đình tôi đã gọi cả người kia lên cơ quan công an bồi thường cho người kia, và người kia cũng xin rút đơn. Sau một thời gian bên cơ quan công an có đưa giấy triệu tập đến để làm việc nhưng do em tôi đi làm xa, mọi người trong nhà cũng không ai để ý và cũng quên không thông báo cho em tôi. Thì sau đó khoảng 1 đến 2 tháng thì nhà nghe tin em tôi bị bắt theo lệnh truy nã, tạm giam 3 tháng.

Vừa rồi tòa án phúc thẩm có tuyên phạt em tôi vào Khoản 2 Điều 134 tội cố ý gây thương tích tuyên phạt 3 năm tù vậy là đúng hay sai?

Theo tôi tìm hiểu thì em tôi chỉ phạm vào khoản 1 và bên bị hại rút đơn là chỉ xử phạt vi phạm hành chính là xong.

Hay do mâu thuẫn giữa gia đình tôi và cán bộ điều tra viên trước đó gia đình có kiện cán bô đó thu giữ phương tiện mà không có văn bản giấy tờ và làm mất xe của gia đình tôi, khi em tôi xảy ra chuyện thì cán bộ đó cũng thẳng thừng trao đổi việc nếu gia đình chịu rút đơn kiện anh ta, thì anh ta sẽ lo hết việc cho em tôi, nhưng gia đình không đồng ý.

Tôi thấy khúc mắc nên hôm nay tôi xin được tư vấn, mong văn phòng luật Minh Gia dành chút ít thời gian tư vấn cho tôi được biết những gì tôi đã viết ở trên. Xin chân thành cảm ơn rất nhiêu.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội cố ý gây thương tích:

 

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Có tổ chức;

 

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

 

i) Có tính chất côn đồ;

 

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

 

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

 

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

d) Tái phạm nguy hiểm;

 

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

....

 

Từ quy định này, có thể hiểu: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là hành vi của một người cố ý làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khoẻ. Đối chiếu với trường hợp  của bạn do  bình xịt cay được xác định là hung khí nguy hiểm, nên việc  em trai bạn gây thương tật 15% cho nạn nhân sẽ thuộc trường hợp phạm tội theo điểm đ Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự, theo đó em của bạn có thể bị phạt tù từ 2 đến 6 năm.

 

Bởi lẽ, em trai bạn phạm tội theo quy định tại Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự nên đây không thuộc trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nữa. Do vậy, việc bạn bồi thường về mặt dân sự và người bị hại rút đơn sẽ không ảnh hưởng đến việc khởi tố vụ án của cơ quan điều tra.

 

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

 

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

...”

 

Tuy nhiên, nếu gia đình bạn đã khắc phục hậu quả cũng như có đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt cho em bạn thì có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

 

"1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

 

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

 

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

...

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

....

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

...

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

 

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

 

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

 

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

 

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ."

 

Trong trường hợp này, nếu bạn nghi ngờ hành vi của cán bộ điều tra, bạn có thể khiếu nại hành vi sai phạm này đến thủ trưởng cơ quan điều tra theo Khoản 1 Điều 475 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

 

1. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật...”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: H.Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169