Luật sư Phùng Gái

Truy cứu trách nhiệm đối với hành vi cho vay lãi nặng và hành vi gây rối trật tự công cộng?

Câu hỏi tư vấn:Theo thông tin tôi được biết, em trai của tôi cư ngụ tại Hà Nội đã vay tiền của một số người với lãi suất rất cao. Số tiền em trai tôi vay làm 2 đợt với lãi suất rất cao: Đợt 1: Khoảng 700.000.000 vnđ( Bẩy trăm triệu đồng chẵn)khoản vay của đợt 1 em trai tôi đã trả xong.

 

 Đợt 2: Tính cả lãi suất cao Khoảng 700.000.000 vnđ( Bẩy trăm triệu đồng chẵn).( Vay gốc khoảng 300.000.000 vnđ) Gia đình bố mẹ tôi đã bán nhà đi để giúp em trai của tôi trả nợ đợt 1. Đến đợt 2 gia đình tôi đã kiệt quệ không có khả năng chi trả một lượt. Hiện tại gia đình tôi đang bị rất nhiều đe doạ và áp lực từ phía cho vay. Phía cho vay lãi suất rất cao đã đến gia đình tôi đe doạ và 2 lần liên tiếp trong cùng một ngày khủng bố tinh thần những người thân trong gia đình tôi. Phía cho vay đã thuê 1 hội côn đồ ném mắm tôm trộn dầu luyn và ruột cá thối ném vào cửa hàng kinh doanh của tôi. Ngoài ra còn dùng keo nhỏ vào khoá cửa ra vào của cửa hàng tôi. Tôi phải thuê thợ khoá đập phá khoá cửa mới vào được cửa hàng. Với tính chất ngỗ ngược của phía cho vay lãi suất cao ném mắm tôm trộn dầu luyn và ruột cá thối vào cửa hàng kinh doanh của tôi đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh. Mùi hôi thối bốc lên khiến khách hàng không chịu được và tâm lý hoảng sợ. Tôi có một số câu hỏi như sau:

 

1/ Để bảo vệ an toàn cho những người thân trong gia đình và em trai của tôi khi bị phía cho vay lãi suất cao khủng bố về tinh thần thì em trai tôi có nên nhờ chính quyền địa phương giúp can thiệp hay không?

 

2/ Có thể dừng việc trả lãi cao và trả vốn dần theo từng tháng?

 

3/ Phải đến cơ quan nhà nước nào để nhờ giúp đỡ trong việc thương lượng hai bên? Sớm mong nhận được sự hồi âm tư vấn cụ thể của các luật sư. Tôi chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

-Thứ nhất, liên quan tới khoản vay tương ứng với lãi suất

 

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 về lãi suất cho vay

 

 Điều 468. Lãi suất

 

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

 

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

 

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

 

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

 

Theo đó, căn cứ quy định trên thì trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, Đối với thông tin bạn cung cấp số tiền vay 300.000.000đ trong đó tính cả tiền lãi là 700.000.000đ nhưng lại không cung cấp rõ thời gian vay, thời gian trả cũng như mức lãi suất cụ thể. Nên không thể tư vấn chính xác cho bạn có thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Tuy nhiên, bạn có thể căn cứ vào lãi suất theo quy định trên, gia đình bạn hoàn toàn có quyền làm đơn tố cáo tới cơ quan công an về tội cho vay lãi nặng theo quy định của Bộ luật hình sự. Cụ thể:

 

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

 

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Như vậy, trường hợp gia đình bạn yêu cầu được thanh toán trả nợ dần theo tháng thì vấn đề này sẽ do hai bên tự tiến hành thỏa thuận với nhau.

 

-Thứ hai, hành vi đe dọa, quấy rối gia đình:

 

Theo như những thông tin bạn cung cấp thì phía bên chủ nợ đã có hành vi "thuê hội côn đồ ném mắm tôm trộn dầu luyn và ruột cá thối ném vào cửa hàng kinh doanh cũng như khủng bố tinh thần gia đình " khiến cho việc kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo cho các thành viên gia đình thì có thể làm đơn tố cáo tới cơ quan công an về hành vi gây rối trật tự công công để họ can thiệp xử lý giải quyết. Cụ thể, Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:

 

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

 

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

 

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

 

d) Xúi giục người khác gây rối;

 

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

 

e) Tái phạm nguy hiểm.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo