Phạm Diệu

Trường hợp nào viên chức được miễn tập sự? Viên chức đã có thời gian đóng BHXH được xếp lương như thế nào?

Vấn đề tuyển dụng viên chức luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, đối với những viên chức đã có thời gian làm việc theo hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng những chính sách ưu tiên nhất định sau khi có quyết định tuyển dụng. Trong phạm vi bài viết này, Luật Minh Gia sẽ giải đáp cụ thể:

Luật viên chức sửa đổi, bổ sung 2019 có hiệu lực thi hành có quy định cụ thể về các chế độ, chính sách của viên chức, đặc biệt là các chế độ ưu đãi đối với viên chức đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm những công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều cơ quan đơn vị thực hiện không đúng theo quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của viên chức. Do đó, nếu bạn gặp vấn đề này bạn có thể liên hệ với Luật sư của Công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn kịp thời.

1. Các trường hợp viên chức trúng tuyển được miễn tập sự

Hỏi: Chào Luật Minh Gia! Mong luật Minh Gia tư vấn giúp tôi: Tôi ở tỉnh khác nộp hồ sơ và trúng tuyển viên chức giáo viên mầm non ở 1 tỉnh khác. Tôi bắt đầu làm việc từ ngày 1/9/2019 cho đến nay, trong đó thời gian tập sự là 6 tháng, thời gian tính nâng lương là tháng 3/2020. Nay tôi mới được trúng tuyển viên chức giáo viên mầm non ở quê và mong muốn được về quê làm việc. Vậy xin hỏi luật Minh Gia tôi phải làm thủ tục nghỉ việc như thế nào để được hưởng các chế độ và lương hè ạ. Và bảo hiểm xã hội có được đóng trong hè không ạ. Vì năm học sau bắt đầu từ tháng 9/2020. Sau khi về trường ở quê tôi có được đóng tiếp tục bảo hiểm xã hội không. Và tôi có phải tập sự nữa không ạ. Rất mong nhận được sự tư vấn của luật Minh Gia. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung tư vấn của bạn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

Tại khoản 4, khoản 5 Điều 29 Luật viên chức 2010 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức như sau:

"4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;

c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;

đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;

e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.

6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.".

Căn cứ theo quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của bạn, vì thông tin bạn cung cấp chưa rõ là bạn đang làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hay hợp đồng làm việc xác định thời hạn nên khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc bạn cần lưu ý về điều kiện đơn phương chấm dứt đối với từng loại hợp đồng.

Nếu là hợp đồng làm việc không xác định thời hạn thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc bạn phải báo cho đơn vị biết trước ít nhất 45 ngày, nếu là hợp đồng làm việc xác định thời hạn bạn có quyền đơn phương chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 5 Điều 29 và phải báo cho đơn vị biết trước ít nhất 03 ngày hoặc 30 ngày tùy từng trường hợp.

Về tiền lương trong thời gian nghỉ hè: Theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT thì giáo viên trong thời gian nghỉ hè vẫn được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có). Do đó, trong thời gian nghỉ hè giáo viên vẫn được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ. Với trường hợp của bạn, nếu thời điểm bạn nghỉ việc sau kỳ nghỉ hè thì thời gian nghỉ hè bạn vẫn được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, đồng thời vẫn được đóng bảo hiểm.

Thứ hai, về vấn đề miễn tập sự

Tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định như sau:

"5. Không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm.".

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, nếu bạn đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bằng hoặc lớn hơn 06 tháng (thời gian tập sự) thì bạn không phải thực hiện chế độ tập sự.

2. Xếp lương đối với viên chức đã có thời gian làm việc theo chế độ hợp đồng lao động

Hỏi: Chào Luật sư: Tôi có vấn đề cần tư vấn về cách xếp bậc lương và thời gian nâng lương khi trúng tuyển viên chức, hiện cơ quan tôi vừa xét tuyển viên chức trong đó có trường hợp là nhân viên A cơ quan (trước đây làm theo hợp đồng lao động) đã công tác từ năm 2008 với mã ngạch 01.004 (bằng trung cấp) bậc 1 với hệ số lương là 1,86 đến tháng 11/2016 được nâng bậc 5 với hệ số 2,66. Đến tháng 12/2016 anh A này lấy bằng đại học và được xét chuyển mã ngạch 06.031 (bằng đại học) bậc 2 với hệ số 2,67. Đến tháng 01/2017, cơ quan tổ chức xét tuyển viên chức anh A đã trúng tuyển và xét lại lương là bậc 01 với hệ số lương là 2,34 và thời gian tính nâng lương lần sau là ngày 01/12/2016. Như vậy đối với trường hợp anh A cơ quan xét ngạch lương và bậc lương từ 2,67 xuống  2,34 là phù hợp hay chưa? Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của Công ty Luật Minh Gia. Trân trọng!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với yêu cầu tư vấn của bạn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:

Tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 15/2012/TT-BNV quy định về xếp lương đối với viên chức đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:

"3. Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người được tuyển dụng đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (nếu có) tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp.".

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì viên chức nếu đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng thì sẽ được tính thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm. Với trường hợp của anh A thì anh A sẽ được hưởng luôn hệ số lương  là 2,67 khi có quyết định tuyển dụng, do đó việc cơ quan xếp lương hệ số 2,34 sau khi tuyển dụng là không phù hợp quy định pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo