Trường hợp nào thì hành vi ngoại tình bị xử lý theo pháp luật
Nội dung câu hỏi:Luật sư cho hỏi trường hợp giả định như sau: Vợ chồng lấy nhau năm 2013,đến năm 2015 thì tôi có thai và trong khoảng thời gian đó tôi phát hiện được anh ấy ngoại tình nhưng khi đó anh hứa với tôi là sẽ bỏ mối quan hệ đó, được khoảng một thời gian thì 2 người đó lại qua lại với nhau đó người kia tự tử, anh ấy nói buộc phải làm vậy, tôi không chịu thì anh hứa sẽ không qua lại bữa nhưng vẫn lén lút qua lại với nhau nữa. Đến khi tôi sinh con được mấy tháng thì người kia lấy các số điện thoại rác nhắn chửi tôi, tôi lấy các tin nhắn đó cho anh đọc thì anh quỳ xuống xin lỗi thề thốt với tôi và cầu xin tôi đừng nói cho gia đình biết. Được một thời gian thì người đó tìm đến tận nhà, nhưng tôi vẫn tha thứ. Đến đỉnh điểm người đó bỏ đi làm xa, chồng tôi lâu lâu lại lấy cớ đi lấy tiền người ta thiếu ra kiếm người đó việc đó sau này tôi mới biết, khi tôi phát hiện ra gây lộn thì anh ta bỏ đi hơn nữa tháng mới về, và lần nào cũng vậy đến 3 năm. Nói với gia đình chồng thì họ bênh vực con họ, họ nói nó đi cho đã nó về.
Tôi rất bất mãn về thái độ của họ, họ bênh con không cần biết đúng hay sai. Lúc mới cưới về con họ đi đến khuya góp ý thì họ nói đàn ông mày không cho nó đi thì không được, giờ đi với gái thì nói nó đi đã nó về. Tôi bất mãn nên sáng ngày nào tôi cũng chở con về bên mẹ tôi đến tối tôi về. Về bên mẹ tôi phụ người này người kia kiếm tiền, thậm chí tôi còn ăn cơm chực nhà mẹ tôi nữa. Việc nhà ở bên đó dù có làm họ cũng nói không có nên từ sau khi chồng tôi đi ở chung với người đó tôi không làm nữa. Chồng tôi khi đó có tiền nhưng anh ta lại sắm vàng cho anh và người đó còn mẹ con tôi khi kêu đưa tiền đóng tiền học hay mua sữa thì phải nói trước nữa tháng mới có. Nữa năm vừa rồi mẹ chồng tôi có nói người kia có con rồi muốn dẫn về nhà ( họ đã làm đám cưới nhưng giấu tôi, tôi vẫn biết được và có hình). Không bao lâu họ dẫn người đó về, mỗi khi có chuyện gì thì họ lấy cớ tôi không làm việc nhà ra nói, nhưng tôi còn phải đi làm nuôi con không một ai trong họ cấp dưỡng hay phụ tôi cả (con tôi từ nhỏ đến giờ vẫn do tôi nuôi và chăm sóc), chồng tôi anh ta từ đó đến giờ ở gần con cả năm cộng lại không được một ngày nữa.Khi dẫn người đó về anh ta vẫn ở chung phòng với người đó,mẹ con tôi có phòng khác, tôi rất muốn dọn đi nhưng nhà mẹ tôi rất nhỏ còn dọn ra ngoài thì tôi không đủ chi phí.
Xin cho tôi hỏi tôi có thể kiện chồng tôi về việc ngoại tình không? Tôi có thể giành quyền được nuôi con không? Và tôi có thể yêu cầu anh ta cấp dưỡng không? Chân thành cám ơn Luật sư.
Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau
Thứ nhất, xử lý đối với hành vi sống chung như vợ chồng
Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn đã có mối quan hệ với người phụ nữ khác và có con với họ. Nếu có căn cứ về việc chồng bạn sống chung như vợ chồng với người này theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1, Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, thì: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…thì bạn có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm hành chính về Tư pháp, hôn nhân gia đình quy định về hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn như sau
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;…”
Ngoài ra, nếu xét thấy hành vi sống chung như vợ chồng mà thuộc các trường hợp quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng. Cụ thể:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Thứ hai, vấn đề cấp dưỡng
Theo Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con như sau;
“Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”
Như vậy chồng bạn có trách nhiệm trong nom, nuôi dưỡng và chăm sóc con chung của hai người.
Trường hợp bạn muốn ly hôn thì có thể gửi đơn ra Tòa án nhân dân quận ( huyện) để yêu cầu Tòa án giải quyết. Người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được xác định theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.’”
Nếu bạn và chồng không thỏa thuận được vấn đề người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con. Bạn có quyền yêu cầu cha của con bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng theo Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 khi bạn là người trực tiếp nuôi con
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng
Luật gia / CV tư vấn: Phương Hà - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất