Trường hợp nào người lao động bị tai nạn trên đường đi làm về được hưởng chế độ tai nạn lao động?
Câu hỏi:
Chào luật sư, chị tôi bị tai nạn trên đường đi làm về không phải do nguyên nhân va chạm giao thông mà do bị tăng xông lên té ngã đập đầu xuống đất gây chảy máu não, xin cho hỏi trường hợp của chi tôi có phải là tai nạn lao động không? quy định thế nào? tôi xin cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh Gia! Sau đây, chúng tôi xin tư vấn yêu cầu của anh như sau:
Theo thông tin anh cung cấp, chị bạn bị tai nạn trên đường đi làm về do nguyên nhân của cá nhân chị bạn (bị tăng xông) nên dẫn đến tai nạn.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động 2013, trường hợp người lao động (NLĐ) bị tai nạn trên đường từ nơi làm việc đến nơi ở, nếu do lỗi của người khác gây ra (không phải do lỗi của cá nhân người lao động) hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật này.
Như vậy, đối chiếu vào trường hợp của bạn, chị gái bạn sẽ không được nhận trợ cấp tai nạn lao động từ phía công ty - người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, chị gái bạn vẫn có thể được hưởng chế độ tai nạn lao động từ phía bảo hiểm tai nạn lao động nếu đáp ứng 03 điều kiện được quy định tại Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động 2013, bao gồm:
- NLĐ bị tai nạn trên tuyến đường từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 05%;
- Không thuộc các trường hợp không được hưởng chế độ tai nạn lao động theo Khoản 1 Điều 40 Luật An toàn vệ sinh lao động 2013.
Bởi lẽ, đối với chế độ tai nạn lao động, pháp luật không xét đến yếu tố lỗi của người lao động trong việc để xảy ra tai nạn giao thông (trừ một số trường hợp người lao động cố ý).
Nếu đáp ứng các điều kiện trên, chị bạn/ người thân khác cần chuẩn bị những tài liệu sau đây và nộp cho công ty mà bạn chị đang làm việc để giải quyết chế độ tai nạn lao động:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất