Hoài Nam

Trường hợp nào được xem là phòng vệ chính đáng

Em chào luật Minh Gia. Cho em hỏi em có con trai đi chơi cùng bạn và bạn bị người khác đem dao và mã tấu đến hành hung, rồi người bạn kia lấy đá ném người hành hung và con trai em cũng tham gia ném 1 viên đá tiếp theo và người đó đi viện vậy cho em hỏi giờ em phải bồi thường và xử lý ra sao em xin cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

 

“Điều 22. Phòng vệ chính đáng

 

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

 

Như vậy, theo quy định này trường hợp con bạn và bạn của cháu bị người khác đem dao và mã tấu đến hành hung và việc cháu và bạn cháu ném đá để chống trả là cách cuối cùng các cháu có thể làm để bảo vệ bản thân. Sự chống trả này phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể và để đánh giá được hành vi phòng vệ là cần thiết, phù hợp là tương đối phức tạp và cần phải dựa vào một số căn cứ sau: tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra, sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công, tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụng.

 

Ngoài ra trong trường hợp của con bạn, hành vi này có được xem là phòng vệ chính đáng hay không sẽ phụ thuộc cả vào tỉ lệ thương tật mà con bạn và bạn của cháu đã gây ra với người kia.

 

Nếu trường hợp hành vi của cháu và bạn cháu được xác định là hành vi phòng vệ chính đáng thì cháu và bạn cháu không phải là tội phạm, và không phải bồi thường cho người này.

 

Trường hợp nếu hành vi của cháu và bạn cháu được xác định là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì tùy vào kết quả điều tra trên thực tế, tỉ lệ thương tích đã gây ra với người kia thì có thể xem xét đến việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường dựa trên thực tế thiệt hại xảy ra hoặc do sự thỏa thuận giữa các bên.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn