Cà Thị Phương

Trường hợp làm giấy sức khỏe giả bị xử lý như thế nào?

Luật sư tư vấn về trường hợp làm giấy khám sức khỏe giả cho những người đăng ký tham gia thi bằng lái xe máy thì bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau:

 

Nội dung tư vấn: Chào Anh Chị! Hiện tôi đang tìm hiểu về dịch vụ làm bằng lái xe và có vấn đề pháp lý nhờ Anh Chị giúp đỡ. Cụ thể khi làm bằng lái xe tôi thu: ảnh + CMT photo + lệ phí sau đó nộp cho trung tâm hưởng chênh lệch. Trong đó tôi cần làm giấy khám sức khỏe cho khách hàng nhưng trong hồ sơ thi không có. Tui có tìm hiểu thì được biết có người nhận làm giấy khám sức khỏe và tôi có nhiều tiền hoa hồng hơn. Vậy tui muốn hỏi:

+ Như hiện tại thì trung tâm làm bằng lái xe kia bị xử lý thế nào về tội làm giấy khám sức khỏe giả mạo (vì khách hàng ko làm nên chắc chắn họ phải làm giả - còn làm giả con dấu hay liên kết với bệnh viện ko tôi ko rõ vì các trường hợp cụt tay chân họ ko nhận làm), và có bị kết vào hành vi có hệ thống và lặp lại nhiều lần ko?

+ Nếu tôi kết hợp với người làm giấy khám sức khỏe giả kia thì tôi phạm tội gì và xử phạt ra sao?

Mong sớm nhận được hồi âm của quý công ty. Xin chân thành cám ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như thông tin bạn đưa ra thì bên trung tâm làm bằng lái xe đã làm giấy khám sức khỏe giả mạo, như vậy thì bên trung tâm này đã phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

 

“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

 

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

 

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

 

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

 

e) Tái phạm nguy hiểm.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 

 

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

 

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

 

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

 

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

 

Theo đó bên trung tâm đã có hành vi sử dụng giấy khám sức khỏe đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Phạm tội nhiều lần đối với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức tức là thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức để lừa dối cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân, thực hiện hành vi trái pháp luật từ hai lần trở lên và mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

 

Về phạm tội có tổ chức, căn cứ vào Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) có thể thấy, đồng phạm trong vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức chủ yếu thuộc hai dạng người: chủ mưu và giúp sức. Mức độ liên kết giữa các đối tượng trong việc thực hiện hành vi phạm tội có thể là đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ hoặc cũng có thể là đồng phạm nhưng mức độ giản đơn, có sự phối hợp nhưng thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng với nhau.

 

Bạn đã có hành vi kết hợp với người làm giấy khám sức khỏe giả kia do đó theo như phân tích ở trên, thì bạn sẽ trở thành đồng phạm với bên trung tâm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

 

“Điều 17. Đồng phạm

 

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

 

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

 

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

 

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

 

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

 

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

 

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

 

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Hoa - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo