LS Hồng Nhung

Trường hợp học cử tuyển theo nhu cầu của địa phương

Trường hợp địa phương cử đi học có ký hợp đồng không? Có được giữ bằng người lao động không? Không làm việc cho địa phương có phải bồi thường không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Em ký hợp đồng địa chỉ sử dụng với sở y tế tỉnh, sau khi tốt nghiệp sẽ phải làm việc cho tỉnh gấp đôi số năm đi học (5 năm) là 10 năm. Học phí tỉnh trả và chi phí sinh hoạt tỉnh có hỗ trợ, tổng cộng 5 năm khoảng 250 triệu. Trong hợp đồng ban đầu ghi là sau tốt nghiệp tỉnh sẽ giữ bằng tốt nghiệp và em phải về tỉnh phục vụ trong 10 năm.

1. Nhưng theo em được biết thì Luật lao động 2012 quy định người sử dụng lao động không được giữ bằng gốc, nếu em đúng thì em nên làm gì để lấy lại bằng gốc của mình ạ?

2. Nếu bồi thường hợp đồng thì trong hợp đồng có ghi là theo quy định của luật hiện hành?

Tháng 7/2017 em tốt nghiệp, khoảng tháng 12/2017, ủy ban tỉnh ra quyết định bồi thường hợp đồng gấp 3 lần. Như vậy nếu em bồi thường sẽ phải đền bù gấp 3 lần chi phí 250 triệu là 750 triệu sao ạ?

3. Các điều khoản trong hợp đồng về giữ bằng, khoản đền bù là sai quy định pháp luật, thì hợp đồng có hiệu lực hay không ạ?

4. Sau khi ra trường, sở y tế tỉnh ra quyết định đưa em về công tác ở bệnh viện huyện, nhưng ở đó không trả lương, nên sau khi làm được 1 tháng em xin nghỉ nhưng bệnh viện không đồng ý, nên em tự ý bỏ việc.

Trong trường hợp này, em đúng hay sai, và sở y tế có quyền bắt em bồi thường hợp đồng đã ký hay không?

5. Việc phân bổ công việc sau khi tốt nghiệp kéo dài tối đa trong bao lâu? Nếu đến tháng 08/2018, đủ 12 tháng từ sau khi tốt nghiệp, mà em chưa được gửi thông báo phân công công việc thì em có quyền chấm dứt hợp đồng địa chỉ sử dụng ban đầu không ạ?

6. Việc sở y tế không liên hệ trực tiếp với em, mà chỉ thông qua bệnh viện phân công em về làm là đúng hay sai? Vì bệnh viên có nói nếu em không làm không lương thì sau này bệnh viện không nhận em vào nữa.

Những câu hỏi này rất quan trọng với em, em hy vọng sẽ nhận được câu trả lời từ phía luật sư. Em chân thành cám ơn.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Do thông tin bạn trình bày  không rõ ràng nên chúng tôi chia ra hai khả năng như sau:

 

Trường hợp giữa bạn và người sử dụng lao động đã hình thành và tồn tại quan hệ lao động trên thực tế thì chúng tôi áp dụng Bộ luật Lao động 2012 để giải quyết như sau:

 

+ Người sử dụng lao động giữ bằng người lao động

 

Hiện nay, pháp luật không cho phép người sử dụng lao động giữ bằng cấp, giấy tờ gốc của người lao động, theo Điều 20 Bộ luật Lao động 2012:

 

“Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

 

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

 

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động

 

Nếu người sử dụng lao động có hành vi giữ bằng gốc của bạn; để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể tố cáo hành vi vi phạm của công ty đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.

 

+ Căn cứ để người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

 

Khi bạn học xong, cơ quan cử đi học có trách nhiệm phân công công việc theo như đã thỏa thuận. Trong trường hợp này, bạn cho rằng đây là quyết định đưa bạn về công tác ở bệnh viện huyện nhưng bạn không nói rõ đây có phải quyết định tuyển dụng viên chức hay không nên chúng tôi coi đây là quyết định phân công công việc chung trong lao động. Theo đó, nếu bạn làm việc không được trả lương, bạn có căn cứ để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012:

 

“Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

 

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

...

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

...

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

Nếu có căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động và bảo đảm thời gian báo trước theo Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động thì bạn không phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

 

Nhưng nếu bạn chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như: không có căn cứ chấm dứt hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng không đảm bảo thời gian báo trước thì bạn sẽ phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo Khoản 3 Điều 43 Bộ luật Lao động 2012:

 

“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

...

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

 

+  Mức bồi thường

 

Vì đây là hợp đồng đào tạo nghề, các bên đã thỏa thuận với nhau về việc đưa người lao động đi học tập, đào tạo để phục vụ cho địa phương. Theo đó, mức bồi thường vi phạm hợp đồng sẽ do các bên thỏa thuận. Trường hợp giữa bạn và người sử dụng lao động không thỏa thuận về mức phạt thì sẽ rất khó để xác định mức bồi thường cụ thể ở đây.

 

Đối với chi phí đào tạo, nếu vi phạm cam kết ban đầu, bạn sẽ phải hoàn trả các chi phí theo Khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động 2012:

 

“3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

 

Vậy, nếu hợp đồng không có thỏa thuận rõ ràng thì UBND tỉnh ra quyết định bồi thường gấp 3 lần chi phí đào tạo là không có căn cứ.

 

+ Hiệu lực của hợp đồng đào tạo

 

Theo Điều 50 Bộ luật Lao động 2012:

 

“Điều 50. Hợp đồng lao động vô hiệu

 

1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật;

 

b) Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền;

 

c) Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm;

 

d) Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

 

2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

 

3. Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu.

 

Nếu hợp đồng có quy định về điều khoản giữ bằng thì điều khoản này sẽ đương nhiên vô hiệu vì trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, một điều khoản trong hợp đồng vô hiệu sẽ không kéo theo toàn bộ hợp đồng vô hiệu. Do vậy, nếu các điều khoản khác trong hợp đồng phù hợp với các quy định của pháp luật thì các điều khoản này sẽ không được coi là vô hiệu.

 

Vậy, theo quy định nêu trên, hợp đồng giữa bạn và người sử dụng lao động có thỏa thuận về điều khoản giữ bằng thì hợp đồng này sẽ xác định vô hiệu từng phần theo Khoản 2 Điều 50 Bộ luật Lao động 2012.

 

+ Trường hợp bạn là đối tượng được cử đi học theo diện cử tuyển của địa phương thì bạn chỉ phải hoàn trả chi phí đào tạo trong các trường hợp theo Điều 12 Nghị định 134/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2015/NĐ-CP:

 

Điều 12. Trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo

 

Người học theo chế độ cử tuyển thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải bồi hoàn học bổng chi phí đào tạo:

 

1. Người bị kỷ luật buộc thôi học hoặc tự thôi học nhưng không có lý do chính đáng được cơ quan cử đi học chấp thuận.

 

2. Người không chấp hành sự xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định này sau khi tốt nghiệp.

 

3. Người có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo

 

4. Người bị kỷ luật không được xét tuyển vào vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc bị thôi việc trong thời gian đang chấp hành sự phân công công tác.

 

Và với trường hợp này, vấn đề xét tuyển vào vị trí việc làm cho bạn sau thời gian cử đi học sẽ được xác định theo Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định về chế độ cử tuyển vào cơ sở giáo dục trình độ đại học cao đẳng trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2015/NĐ-CP:

 

 “3. Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ thông báo xét tuyển theo quy định tại Khoản 2 Điều này tối đa là 12 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 12 tháng không nhận được thông báo xét tuyển theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.”

 

Vậy, nếu đủ 12 tháng từ sau khi tốt nghiệp mà bạn chưa được xét tuyển vào vị trí việc làm thì bạn không phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo cho cơ quan nhà nước.

 

Đồng thời, việc xét tuyển vào vị trí việc làm sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của địa phương và sự chỉ đạo của UBND cấp tỉnh theo Khoản 2 Điều 11 Nghị định 134/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2015/NĐ-CP:

 

“2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ và xét tuyển hoặc gửi hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định tại Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV Hồng Nhung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo