Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động

Tôi làm giáo vụ khoa tại một trường trung cấp, ngày 11/9/2017 tôi viết đơn xin nghỉ việc sau đó xin nghỉ việc không lương. Đến ngày 2/11/2017 tôi đến trường xin rút sổ BHXH thì nhà trường không giải quyết và thông báo đơn xin nghỉ việc của tôi chưa được giải quyết. Theo như tôi tìm hiểu thì nhà trường có ý định yêu cầu tôi bồi thường. Tôi xin hỏi tôi phải bồi thường cho nhà trường như thế nào?

 

Nội dung câu hỏi: Kính thưa Luật sư, Trường hợp của em như sau, kính mong Luật sư tư vấn giúp em ạ. Em sinh năm 1992, e làm giáo vụ khoa tại trường trung cấp từ tháng 3/2015. Vào ngày 11/9/2017 em đã viết đơn xin nghỉ việc với nội dung xin nghỉ việc từ ngày 11/9/2017 và bàn giao công việc không hưởng lương từ ngày 12/9 đến hết ngày 16/9/2017 và nộp lên Phòng Tổ chức – Hành chính. Sau đó Phòng Tổ chức – Hành chính đã yêu cầu em đưa đơn về cho Trưởng khoa có ý kiến và đơn của em được Trưởng khoa chấp nhận cho nghỉ. - Vì việc cá nhân, em đã viết đơn xin nghỉ không hưởng lương từ ngày 18/9 đến 29/9/2017 để giải quyết công việc của mình. Ngày 18/9/2017 em bắt đầu nghỉ và không đến trường. Trong thời gian không có mặt tại trường em vẫn phải hoàn thành công việc của một giáo vụ thông qua email. Ngày 30/9/2017, theo yêu cầu của phòng Tổ chức – Hành chính em đã dến trường và bàn giao công việc, mọi công tác em đều hỗ trợ cho nhà trường để hoàn thành nhiệm vụ và việc bàn giao của mình. Sau khi bàn giao xong em không đến trường nữa, đến ngày 2/11/2017 em đến trường xin rút sổ BHXH thì nhà trường không giao lại cho em và báo là việc xin nghỉ của em chưa được giải quyết. Em chưa có quyết định thôi việc. Theo như em biết nhà trường có ý định yêu cầu em bồi thường nhưng chưa báo cụ thể cho em. - Vậy Luật sư tư vấn giúp em là em phải bồi thường cho nhà trường như thế nào ạ? (Mức lương đóng BHXH của em là 4.012.500đ). Em xin chân thành cảm ơn! Trân trọng.

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Do bạn không cung cấp thông tin về việc bạn làm việc theo hình thức hợp đồng như thế nào và lý do bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ở công ty nên chúng tôi không thể xác định được bạn có đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật không. Do đó, bạn cần xem xét việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của mình có đúng quy định tại Điều 37 Bộ Luật Lao động 2012 hay không.

 

Điều 37 Bô luật lao động 2012 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:

 

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

 

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

 

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

 

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

 

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”

 

Nếu bạn chấm dứt đúng theo quy định tại Điều 37 mà công ty không giải quyết chế độ cho bạn mà yêu cầu bạn bồi thường thì bạn có quyền khiếu nại tới người đứng đầu đơn vị bạn làm việc hoặc khiếu nại tới phòng lao động thương binh xã hội để yêu cầu giải quyết.

 

Nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật bạn có trách nhiệm phải bồi thường cho công ty theo quy định tại Điều 43 Luật lao động 2012 như sau:

 

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo