Vũ Thanh Thủy

Trường hợp công chức được cử đi học cao học đền bù học phí

Tôi là công chức,làm việc tại 1 bệnh viện công từ 2008. Đến 2011,tôi được bệnh viện cử học cao học,thời hạn 2 năm. Trước khi học, tôi có kí 1 cam kết với bệnh viện sẽ phục vụ gấp 5 lần thời gian đi học. Nếu nghỉ việc trước thời hạn cam kết phải đền bù học phí bệnh viện đã hỗ trợ (50%),phúc lợi nhận trong quá trình đi học và 1 khoản tiền x số năm chưa phục vụ còn lại.

1. Cam kết tôi kí có đúng luật không?( cam kết được in sẵn)
2. Trong thời gian tôi đi học , tôi vẫn làm việc và trực gác bình thường. Tôi có phải trả lại tiền phúc lợi không?
3. Nếu phải đền bù thì chi phí được tính như thế nào?
Xin cám ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn trường hợp của bạn như sau:

Về cam kết cử công chức đi học cao học. Bệnh viện yêu cầu bạn ký cam kết có nội dung sau khi hoàn thành xong khóa học cao học, phải tiếp tục làm việc tại bệnh viện khoảng thời gian gấp 05 lần thời gian đi học. Nếu nghỉ việc trước thời hạn cam kết phải đền bù học phí, đề bù phúc lợi được hưởng khi đi học ứng với số năm chưa công tác.

Cam kết bạn ký là đúng với quy định pháp luật về cử công chức đi học cao học. Căn cứ tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 18/2010/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng công chức quy định về điều kiện công chức đưuọc cử đi đào tạo sau đại học:

"1. Có thời gian công tác từ đủ 5 năm trở lên.

2. Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

3. Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo.

4. Có cam kết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo.

5. Có ít nhất 03 năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ."

Nội dung cam kết, trong đó có quy định phải đền bù học phí bệnh viện đã hỗ trợ và các khoản chi khác phục vụ cho khóa học (phúc lợi khác) cũng đúng với quy định pháp luật. Căn cứ khoản 1 Điều 26 Thông tư 03/2011/TT-BNV hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP: "1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học.”

Như vậy cam kết công ty yêu cầu anh ký trước khi đi học cao học phù hợp với quy định của pháp luật.

Về việc miễn giảm khoản phúc lợi, Trong luật về công chức được cử đi học bồi dưỡng, không có quy định trong thời gian học bồi dưỡng vẫn làm việc tại công ty thì sẽ được giảm trừ vào khoàn tiền phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng. Pháp luật chỉ quy định hai trường hợp được tính giảm chi phí đên bù tại Điều 27 Thông tư 03/2011/TT-BNV, quy định như sau:

"Việc tính giảm chi phí đền bù chỉ áp dụng cho các trường hợp công chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên:

1. Mỗi năm công tác của công chức (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo, bồi dưỡng) được giảm 1% chi phí đền bù.

2. Công chức đạt danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên trong vòng 5 năm trở lại thì được tính giảm 1% chi phí đền bù cho mỗi danh hiệu.”

Nếu bạn chứng minh được, trong 02 năm đi học bồi dưỡng bạn vẫn tham gia công tác tại bệnh viện. Khi đó bạn sẽ được tính giảm chi phí đền bù tiền học bồi dưỡng và đào tạo xuống thêm 2%.

Về chi phí đền bù. Công chức sau khi tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục đi làm nhưng chưa công tác hết thời hạn trong cam kết, trong trường hợp của bạn là 10 năm, thì phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng. Căn cứ Điều 24 Nghị định 18/2010/NĐ-CP:

"Công chức đang tham gia khoá đào tạo, bồi dưỡng mà tự ý bỏ học, thôi việc hoặc đã học xong nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết mà tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng. Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể Điều này.”

Bộ nội vụ hưỡng dẫn cụ thể quy định này, trường hợp bạn đề cập ghi nhận tại khoản 3 Điều 25 Thông tư 03/2011/TT-BNV:

"Đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng áp dụng đối với các trường hợp công chức được cử đi bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch; bồi dưỡng ở nước ngoài và đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên, khi:

3. Công chức đã hoàn thành khóa học và được cấp bằng tốt nghiệp (đối với các trường hợp công chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên) nhưng bỏ việc hoặc thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại khoảng 4 Điều 20 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP.”

Nếu công chức được cử đi học cao học sau khi hoàn thành xong khóa học, được cấp bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc hay tự ý thôi việc (đơn phương chấm dứt lao động từ phía người lao động) khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết thì phải chịu chi phí đền bù được tính theo công thức quy định tại Điều 26 Thông tư 03/2011/TT-BNV:

"1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học.

2. Cách tính chi phí đền bù:

c) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 25 Thông tư này, chi phí đền bù được tính theo công chức sau:

S = F / T1 × (T1 – T2)

Trong đó:

- S là chi phí đền bù;

- F là tổng chi phí của khóa học;

- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;

- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.”

Ví dụ: Anh A được cơ quan cử đi đào tạo thạc sỹ 2 năm (= 24 tháng), chi phí hết 20 triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp, anh A phục vụ cho cơ quan được 3 năm (= 36 tháng). Sau đó, anh A tự ý bỏ việc. Chi phí đào tạo mà anh A phải đền bù là:

S = 20.000.000 / 120 tháng x (120 tháng – 36 tháng) = 14.000.000 đồng

Trường hợp sau khi hoàn thành khóa đào tạo mà thôi việc ngay hoặc đang học mà tự ý thôi việc thì phải đền bù toàn bộ chi phí đào tạo là 20 triệu đồng.

Thủ trưởng cơ quan quản lý công chức thành lập Hội đồng xét đền bù. Hội đồng xét đền bù có nghĩa vụ xác định vào các yếu tố để xem xét đánh giá từ đó đưa ra khoản đền bù thích hợp.

Trân trọng !

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169