Trường hợp bị đe dọa, cưỡng ép viết giấy ghi nợ
Hôm sau anh A chồng tôi bắt phải nghỉ việc trong 2 ngày, phải li dị vợ trong 10 ngày và phải vay nóng trả cho anh ta tiền đền bù, chồng tôi hỏi bao nhiêu thì ko nói, chồng tôi bảo không có tiền, để hàng tháng trả 1 triệu nhưng anh ta không đồng ý đòi cho anh em tìm giết (thời gian ở chung anh ta thường kể chuyện giang hồ, bảo giang hồ từ Nam tới Bắc đều quen) nên chồng tôi sợ quá bỏ việc bỏ nhà chạy trốn. Chồng tôi đi nhiều tỉnh còn đòi vượt biên sang Lào để trốn, 1 tháng sau, tiền hết và thấy không thể trốn mãi và anh ta hăm dọa sẽ xử lý vợ con nếu không về nên chồng tôi về nhận tội. Lúc ở nhà anh ta, anh ta đuổi hết mọi người ra ngoài rồi đánh chồng tôi bắt ghi theo nhưng gì anh ta đọc, nội dung là vợ anh ta có mua quần áo, đồ dùng và đưa tiền cho chồng tôi đánh bạc, đá banh gần 100tr và chồng tôi còn tự ý ăn trộm của anh ta hết 31tr nữa tổng 131tr và hứa sẽ trả trong 3 tháng. Sau khi viết xong mở cửa kêu tôi vào và đọc cho tôi ghi lời làm chứng xác nhận những điều trên là đúng, sau khi tôi ghi xong kêu trưởng thôn vào ký. Lúc đó đã 5h, ủy ban đã nghỉ nhưng anh ta quen biết rộng nên gọi điện bảo công an lên mở cửa đóng dấu làm chứng. Giờ anh ta đem giấy đó kiện chồng tôi ở tù và đòi bồi thường như đã viết, xin hỏi luật sư trường hợp này chúng tôi phải làm sao?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏitư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của chị, chúng tôi tư vấn như sau:
Với hành vi đe dọa sẽ giết chồng chị, ép buộc chồng chị viết vào giấy ghi nợ với số nợ 131 triệu đồng anh A có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Đe dọa giết người và tội Cưỡng đoạt tài sản.
Với hành vi đe dọa sẽ cho anh em tìm giết:
Điều 133 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội đe dọa giết người như sau:
Điều 133. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Với trường hợp của chồng chị, sau khi thỏa thuận về việc trả bồi thường không thành, anh A đã có những lời nói về việc sẽ cho anh em tìm giết chồng chị, anh ta cũng thường xuyên nói có quan hệ với xã hội đen, làm cho chồng chị sợ hãi, lo sợ rằng hành vi này thực sự sẽ xảy ra nên phải bỏ trốn. Bên cạnh đó, trong thời gian chồng chị bỏ trốn, anh A đã có hành vi đe dọa, uy hiếp sẽ xử lý vợ con, những người thân của người bị đe dọa. Những hành vi này là căn cứ để xử lý anh A về tội đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật hình sự 2015.
Với hành vi đánh, ép chồng chị viết giấy ghi nợ theo nội dung anh ta đọc.
Điều 170 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tội Cưỡng đoạt tài sản như sau:
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
…”.
Anh A đã có hành vi đánh, đe dọa chồng chị phải viết giấy ghi nợ, mà trên thực tế chồng chị không nợ anh ta số tiền này hành vi này của anh ta có thể nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của chồng chị.
Trong trường hợp này, chị có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan điều tra tại quận, huyện nơi anh ta sinh sống về hành vi đe dọa, cưỡng ép chồng chị viết giấy ghi nợ. Trong trường hợp có đủ cơ sở xử lý về hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với người vi phạm. Trong trường hợp vi phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính.
Đối với việc anh A dùng giấy ghi nợ để kiện lên Tòa: Giấy ghi nợ này được viết dựa trên hành vi cưỡng ép, không phải do ý chí tự nguyện của chồng chị vì vậy giấy ghi nợ này không có giá trị pháp luật, không có cơ sở để thụ lý vụ án. Tuy nhiên, chị phải có các bằng chứng để chứng minh việc viết giấy ghi nợ này là dựa trên sự cưỡng ép, không tự nguyện của chồng chị.
Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất