Trong thời gian thử việc có được hưởng chế độ thai sản không
Nội dung yêu cầu tư vấn:
Em đang làm hợp đồng tại một cơ quan X với bằng cao đẳng từ 1/10/2020 đến nay, em có đóng bảo hiểm theo quy định của cơ quan từ tháng 10/2020 và giờ em đang có thai được hơn 3 tháng. Giờ em có bằng đại học và muốn nộp bằng đại học để hưởng lương đại học.
Nhưng phòng tổ chức nói giờ em muốn ăn lương đại học thì sẽ làm hợp đồng lại thử việc 12 tháng rồi mới kí hợp đồng chính thức trong khi 6 tháng nữa em phải nghỉ sinh em bé. Vậy cho em hỏi nếu là hợp đồng thử việc 12 tháng thì em có được nghỉ chế độ thai sản hay không? Và tiền trợ cấp thai sản cũng như tiền lương hàng tháng của em sẽ được tính như thế nào?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo Điều 25 Bộ luật lao động 2019 quy định thời gian thử việc như sau:
“1. Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
…”
Như vậy, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần với một công việc. Việc công ty yêu cầu bạn thử việc lại đối với công việc bạn đang làm để được hưởng lương theo bằng đại học là không đúng với quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 90 bộ luật lao động 2019 quy định về tiền lương như sau:
“1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”
Theo đó, bạn và cơ quan ký hợp đồng lao động, do vậy tiền lương sẽ do hai bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên thỏa thuận trả lương theo bằng cấp thì tiền lương sẽ được chi trả theo bằng cấp.
Trường hợp bạn vẫn tiếp tục quan hệ lao động tại đơn vị, và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì bạn vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:…
b) Lao động nữ sinh con;
...
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”
Khi bạn nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, bạn sẽ không được trả lương theo hợp đồng lao động nữa, bởi lẽ thời gian đó bạn không làm việc trên thực tế nên không có căn cứ để trả lương cho bạn. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản bạn được hưởng tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả mới mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
“1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;”
Trân trọng!
Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất