Trần Diềm Quỳnh

Trộm cắp tài sản có bắt buộc phải chịu hình phạt tù không?

Luật sư tư vấn về các trường hợp không phải chịu hình phạt tù đối với tội trộm cắp tài sản. Nội dung tư vấn như sau:

Dear CTy Luật Minh Gia.     Trong tháng 3 vừa qua vì 1 lúc thiếu suy nghĩ e đã trộm 1 chiếc xe đạp và 1 chiếc xe máy, xe đạp thì e bán được 600.000 còn xe máy thì e đem về đưa cho 1 người bạn e chạy vì trước đó e có mượn xe của bạn em rồi đem đi cầm, lúc bạn e đòi không có nên e mới lấy trộm chiếc xe máy để đem thế cho nó.   sau đó e bị công an bắt giam 2 ngày và cho người nhà bảo lĩnh về cư trú tại địa phương, công an tiến hành khời tố e về tội trộm cắp tài sản, sau khi kết thúc điều tra công an gửi giấy cho em, trong giấy có nói về giá trị còn lại của 2 chiếc xe là : chiếc xe đạp có giá trị là 900k còn chiếc xe máy e trộm là 4tr500k.    e có tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, vi phạm lần đầu, thuộc loại phạm tội ít nghiêm trọng, còn về chiếc xe e mượn của bạn e rồi đem đi cầm bên công an đã ghi lời khai giúp em nên không có phạm thêm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.  như vậy với tội danh của e như trên e có phải chịu hình phạt tù hay không, e rất hối hận và hoang mang lo lắng xin quý cty tư vấn giúp e, e chân thành biết ơn ạ.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Công ty Luật Minh Gia. Về yêu cầu của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Bạn bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Số tiền bạn trộm cắp được theo kết luận điều tra là 5.300.000 đồng. Như vậy, hành vi của bạn được quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội trộm cắp tài sản như sau:

 

“Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

 

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”

 

Theo quy định trên, hình phạt bạn có thể chịu là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tuy nhiên, bạn có tình tiết giảm nhẹ là phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo. Do đó, Tòa có thể xem xét các tình tiết giảm nhẹ mà có thể quyết định không áp dụng hình phạt tù, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với bạn.

 

Điều 36 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về cải tạo không giam giữ như sau:

 

“1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

 

Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.

 

2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.

 

3. Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hằng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.

 

Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

 

4. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

 

Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

 

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

 

Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự.”

 

Ngoài hình phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án có thể xem xét để cho bạn hưởng án treo nếu bạn có đủ các điều kiện hưởng án treo.

 

Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành quy định về điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo như sau:

 

“Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

 

2. Có nhân thân tốt.

 

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

 

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

 

3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

 

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

 

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

 

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

 

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

 

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”

 

Như vậy, với trường hợp của bạn, bạn có thể không phải chịu hình phạt tù mà có thể chỉ phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc được hưởng án treo nếu bạn đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

 

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Nguyễn Thị Thu Hiền - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169