Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.

1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

  • Hòa giải viên lao động;

  • Hội đồng trọng tài lao động;

  • Tòa án nhân dân.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động

Bước 1: Hòa giải

Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

  • Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

  • Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

  • Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

  • Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

  • Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

  • Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Bước 2: Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết 

Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết mà hoà giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.

3. Thời hiệu yêu cầu giải quyết 

- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

- Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Lưu ý: Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

4. Tình huống: Giải quyết tranh chấp lao động về vấn đề nghỉ việc và đóng BHXH

Câu hỏi tư vấn: Em hiện tại là lái xe của 1 công ty taxi, em vào công ty từ cuối tháng 12/201x lúc mới vào công ty có giữ của em bộ hồ sơ gốc bằng lái xe b2 và tiền quỹ 3 triệu. Sau nhiều lần ý kiến thì đến tháng 8 năm 201x thì công ty ký hợp đồng lao động với em nhưng không cho em giữ hợp đồng lao động. Đến ngày 12/1/201x công ty trả lương chậm vì bình thường công ty trả lương ngày 10 hàng tháng,

E có nói chuyện với một số tài xế khác là nợ doanh thu 100 nghìn thì bị phạt mà lương thì không trả, sau đó em có cãi nhau với 1 nhân viên lái xe khác (nhân viên này cặp bồ với giám đốc) về vấn đề cá nhân, 5 phút sau giám đốc gọi em nói là bị cắt ca vận doanh vì lý do xúc phạm công ty, ngay 16/1/201x giám đốc có gọi em lên nói chuyện nhưng không có ý định cho em chạy xe lại và nói là chưa biết khi nào giải quyết. Đến ngày 13/2/201x công ty không có thông báo gì về việc làm của em nên em viết đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động nhưng đến nay công ty chưa có quyết định cho nghỉ việc. Vậy thưa luật sư, qua sự việc trên anh tư vấn dùm em ai sai và sai như thế nào trong trường hợp trên. Đối với việc không ra quyết định cho nghỉ việc em phải làm thế nào? Về mức đóng bảo hiểm trong những ngày em nghỉ việc tính ra sao? Chân thành cảm ơn a.

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc công ty giữ hồ sơ gốc và tiền quỹ của người lao động

Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) như sau: 

“1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.”

Như vậy, việc công ty giữ hồ sơ gốc bằng lái xe b2 và tiền quỹ 3 triệu của anh là hành vi vi phạm quy định pháp luật. Đối với hành vi này, công ty có thể bị xử phạt hành chính từ 20 triệu đến 25 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. 

Thứ hai, về việc ký hợp đồng lao động

Tại Khoản 2 Điều 13 quy định về nghĩa vụ giao kết HĐLĐ của người sử dụng lao động như sau: 

“2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”

Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 14 quy định về hình thức của HĐLĐ như sau: 

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này [...]”

Từ quy định trên có thể thấy, việc công ty không ký HĐLĐ với bạn ngay khi nhận bạn vào làm việc là vi phạm quy định pháp luật. Ngoài ra, sau khi ký HĐLĐ, công ty không cho bạn giữ bản gốc của HĐLĐ là không phù hợp với quy định nêu trên. 

Thứ ba, về việc tạm đình chỉ công tác

Theo thông tin bạn cung cấp, giữa bạn và một nhân viên lái xe khác có xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, bạn bị công ty cắt ca vận doanh vì lý do bạn xúc phạm công ty. Trong trường hợp này có thể tạm thời xác định rằng công ty tạm đình chỉ công việc đối với bạn để xác minh hành vi vi phạm của bạn và kỷ luật lao động. Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, việc tạm đình chỉ công việc được thực hiện như sau: 

“1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.”

Về việc đóng bảo hiểm xã hội trong những ngày nghỉ việc, tại Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau: 

“3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.”

Trong khi đó, khi anh nghỉ việc do công ty tạm đình chỉ công việc thì vẫn được hưởng 50% tiền lương theo Điều 128 nêu trên. Do đó, trong thời gian này, công ty vẫn phải đóng BHXH cho anh, trừ trường hợp anh và công ty có thỏa thuận về việc nghỉ không hưởng lương (mà không phải là công ty quyết định tạm đình chỉ công việc đối với anh). 

Thứ tư, về việc chấm dứt Hợp đồng lao động

Theo thông tin anh trình bày, anh đã viết đơn xin nghỉ việc nhưng đến nay công ty chưa ra quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với bạn. Nếu trong trường hợp công ty đã chấp thuận việc anh yêu cầu chấm dứt HĐLĐ của bạn thì được coi là hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. 

Công ty có trách nhiệm trả đầy đủ tiền lương tương ứng với số ngày công thực tế và các chế độ khác theo quy định cho bạn trong thời hạn từ 7 đến 30 ngày, kể từ khi chấm dứt HĐLĐ. 

Ngoài ra, trong trường hợp này, để chứng minh HĐLĐ đã chấm dứt hiệu lực thì bạn cần có giấy tờ chứng minh việc công ty đã chấp thuận yêu cầu chấm dứt HĐLĐ của bạn, quyết định chấm dứt HĐLĐ là một trong căn cứ có thể chứng minh. Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, bạn có quyền yêu cầu công ty cung cấp quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc các văn bản, giấy tờ liên quan. 

Trong trường hợp công ty không chấp thuận yêu cầu chấm dứt HĐLĐ của bạn thì được xác định là bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ, đơn xin chấm dứt HĐLĐ của bạn được xem là thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ. Thời điểm chấm dứt HĐLĐ được xác định theo thời hạn được quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 như sau: 

“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.” 

Trong trường hợp này, đơn xin chấm dứt HĐLĐ lao động mà bạn nộp lên công ty là căn cứ để chứng minh việc chấm dứt HĐLĐ mà không cần quyết định từ phía công ty. 

Trân trọng!

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169