Tranh chấp về quyền sử dụng đất giải quyết như thế nào?
Nội dung tư vấn: Kính chào Luật sư! Tôi gặp trường hợp khó khăn, xin Luật sư giúp đỡ. Gia đình tôi làm ruộng, có 7 người, nhưng chỉ 5 thành viên là có ruộng, còn 2 thành viên khác thì không (do đi làm ăn xa) (Tên gọi Ông B). Mấy năm vừa qua, do cải cách chia lại ruộng đất tại xã. 5 thửa ruộng của 5 thành viên trên gộp lại làm 1, và được cấp lại. Trong thời gian chia cấp lại, 5 thành viên không có mặt tại nơi chia cấp đất. Ông B, đã tự ý làm giấy uỷ quyền giả, và được xã cho đứng tên trên sổ đỏ của lô đất được cấp lại. Và chúng tôi không thể thương lượng với ông B để làm lại sổ. Vậy Luật sư cho tôi hỏi?
1/ Chúng tôi có thể làm lại sổ mang tên 1 trong 5 chúng tôi được hay không ?
2/ Căn cứ vào gì để chúng tôi có thể làm được sổ mới,..., vì hỏi Xã thì CB xã trả lời, do sổ đã cấp hết, và cũng có giấy uỷ quyền nên xã mới làm sổ do Ông Ba đứng tên.
Xin Luật sư giúp đỡ! Kính chúc Quý vị có thật nhiều sức khoẻ và thành công trong cuộc sống. Trân trọng!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Ông B được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do có giẩy ủy quyền. Theo như thông tin của bạn thì giấy ủy quyền sử dụng đất này là giả. Ở đây của bạn có sự tranh chấp đất đai giữa ông B và 5 thành viên trong gia đình. Theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013:
Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Do bạn và ông B đã không thể tự thương lượng, hòa giải được thì sẽ gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Nếu vẫn không hòa giải được thì bạn có thể gửi đơn lên Tòa án nhân dân huyện nơi có đất đai để giải quyết theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013. Bên cạnh đó, bạn phải có căn cứ để chứng minh được giấy ủy quyền này của ông B là giả.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Hoa - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất