Trần Diềm Quỳnh

Tranh chấp về lối đi chung thì xử lý như thế nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề tranh chấp về lối đi chung. Nội dung tư vấn như sau:

Xin chào Luật sư! Xin Luật sư tư vấn giúp tôi một vấn đề như sau.Bố mẹ tôi được thừa kế của ông bà tôi một mảnh đất, bên cạnh có một con đường là lối đi chung của 4 hộ gia đình, đến khi Htx nông nghiệp cắm đất, mở thêm đường thì 3 hộ kia không còn đi chung con đường cạnh nhà tôi nữa, 2 hộ đi con đường trước đất nhà họ, còn 1 hộ nữa thì được ông Chủ nhiệm HTX cắt một phần đất gia đình tôi cho gia đình họ sử dụng và chuyển lối đi sang ngõ khác không đi con đường chung với gia đình tôi, và gia đình tôi được quyền sử dụng con đường chung đó (nhưng không có giấy tờ chỉ thỏa thuận miệng). Gia đình tôi sử dụng ổn định không có tranh chấp từ năm 1991 đến nay và đã xây dựng công trình trên phần đất đổi đó, sổ đỏ gia đình tôi được cấp năm 2002 ( hiện do có chênh lệch) .Hiện tại có một gia đình làm đơn gửi ubnd xã đòi lại con đường đi chung đó, vậy Luật sư cho tôi hỏi gia đình tôi có phải dỡ bỏ tài sản và trả lại con đường đi chung không? Căn cứ vào đâu?Tôi xin trân thành cảm ơn và rất mong nhận được câu trả lời sớm.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì bố mẹ bạn được thừa kế của ông bà bạn một mảnh đất, bên cạnh có một con đường là lối đi chung của 4 hộ gia đình. Nhưng hiện nay 3 hộ gia đình kia không còn đi chung con đường cạnh nhà bạn nữa. Tuy nhiên, hiện tại có một gia đình làm đơn gửi ubnd xã đòi lại con đường đi chung đó.

 

Căn cứ Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền lối đi qua như sau:

 

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

 

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

 

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

 

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

 

Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi chia ra các trường hợp sau:

 

Trường hợp 1: Nếu diện tích lối đi là đất của gia đình bạn, được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như trong bản hồ sơ địa chính xã, thì bạn hoàn toàn có quyền đối với phần đất lối đi chung này. (Bạn đã làm thủ tục bổ sung diện tích đất lối đi chung vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tiến hành theo thủ tục đăng ký biến động đất đai. Căn cứ quy định tại điểm c khoản 4 Điều 95 Luật đất đai năm 2013).

 

Trường hợp 2: Nếu diện tích đất lối đi là đất do nhà nước quản lý nhằm mục đích làm lối đi chung cho người dân. Lối đi là bất động sản do Nhà nước quản lý, tự phân ranh giới. Theo quy định tại Điều 175 Bộ Luật Dân Sự năm 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản:

 

"1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

 

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung."

 

Trường hợp phần đất đó đã được xác định là lối đi chung mà gia đình đó cố tình xây dựng công trình trên phần đất đó thì có thể bị xử phạt hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Căn cứ Điều 11 Nghị định 102/2014/NĐ-CP.

 

Điều 11. Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác

 

"1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng tại khu vực nông thôn, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng tại khu vực đô thị đối với hành vi đưa chất thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác.

 

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tại khu vực nông thôn, từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tại khu vực đô thị đối với hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

 

b) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này."

 

Việc phá dỡ công trình trên phần đất được xác định là lối đi chung thì phải dựa trên quyết định của UBND xã nơi có đất xem việc gia đình bạn xây dựng công trình trên lối đi chung có phải là hành vi lấn, chiếm đất công hay không? 

 

Điều 118 – Luật xây dựng 2014 - Phá dỡ công trình xây dựng


 
1.Việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong các trường hợp sau:

...

đ) Công trình xây dựng lấn chiếm đất công,đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân;xây dựng sai với thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
 


2. Việc phá dỡ công trình xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Phá dỡ công trình chỉ được thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);"

 

Hướng giải quyết: Trước hết hai gia định bạn phải tự hòa giải. Trường hợp không hòa giải được bạn có thể gửi đơn yêu cầu hòa giải lên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Nếu hòa giải không thành, thì bạn phải gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận/huyện nơi có thửa đất để yêu cầu giải quyết, đồng thời kèm theo các giấy tờ liên quan.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Ngọc Anh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo