Triệu Lan Thảo

Tranh chấp uỷ quyền đứng tên sổ hồng

Xin hỏi bà nội em hiện nay gần 90 tuổi sở hữu 1 căn nhà vì lớn tuổi nên không đứng ra làm sổ hồng cho căn nhà trên,( căn nhà này là nhà tình thương phường xây cho bà em trên nền căn nhà gia đình có sẵn). Bà có 4 người con , trong đó ba em và chú 2 em có ký giấy ủy quyền cho chú út em đứng tên làm sổ hồng...

 

Xin hỏi bà nội em hiện nay gần 90 tuổi sở hữu 1 căn nhà vì lớn tuổi nên không đứng ra làm sổ hồng cho căn nhà trên,( căn nhà này là nhà tình thương phường xây cho bà em trên nền căn nhà  gia đình có sẵn). Bà có 4 người con , trong đó ba em và chú 2 em có ký giấy ủy quyền cho chú út em đứng tên làm sổ hồng, cô 3 em không ký giấy này ( ba em ký nhưng không đọc rõ nội dung trong giấy ủy quyền này) . Hiện tại chú út em làm được sổ hồng đứng tên chú út luôn và tự bán lại căn nhà trên, sang tên cho chủ sở hữu khác mà không thông qua đồng ý của bà  nội cũng như các thành viên khác trong gia đình. hiện tại gia đình em có thể khởi kiện đòi lại căn nhà trên không và ai là người đứng đơn thưa kiện được ,khi chú út bán nhà  đã đem hết toàn bộ giấy tờ và  hộ khẩu đi( chú út sống với bà) ,gia đình em không  giữ bất kỳ giấy tờ nào ngoài 1 bản hộ khẩu và sổ hồng photo do bên chủ sở hữu hiện tại căn nhà trên đưa cho.em được biết việc này còn liên quan đến một số cán bộ nhà đất trong phường và quận trong đường dây cấp sổ hồng cho chú út em, nếu như vậy gia đình em có thể gặp khó khăn trong việc trích lục giấy tờ này. vậy thì gia đình em phải thong qua đậu để xin giúp đỡ.  Hiện tại bà nội em không có nhà để ở và về sống chung với gia đình em.còn 1 vấn đề nữa là do bà nội em lớn tuổi nên không biết chú út em có lừa bà ký giấy tờ cho chú út không. nếu bà nội em đã ký giấy tờ trên thì còn kiện được không.các quy trình thưa kiện  và gia đình em phải có những giấy tờ gì để kiện , cách trích lục những giấy tờ trên. xin cám ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về nguồn gốc xác lập quyền sở hữu ngôi nhà và thửa đất

 

Căn nhà là tài sản tặng cho do là nhà tình thương do phường xây cho bà bạn, hoàn toàn có thể chứng minh bà bạn là chủ sở hữu đích thực của căn nhà qua việc xin xác nhận của phường về việc xây nhà tình thương cho bà bạn. Với chú bạn, chú bạn chỉ có thể là chủ sơ hữu căn nhà khi có hợp đồng mua bán, tặng cho tài sản với bà của bạn được xác lập bằng văn bản. Nếu không có, dễ dàng chứng minh được chú bạn không phải là chủ sở hữu của căn nhà.

 

Người đứng đơn ở đây là bà bạn hoặc bất kì người nào được bà bạn uỷ quyền, miễn là có đủ năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, ví dụ như bố bạn.

  

Thứ hai, về việc bà bạn có thể đã bị chú út lừa dối ký giấy tờ, Bộ luật dân sự 2015 có quy đinh:

 

Điều 126. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.

 

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

 

Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Như vậy, chỉ cần chứng minh khi ký giấy, bà bạn bị rơi vào một trong ba trường hợp trên, văn bản hay giao dịch xác lập giữa bà bạn với chú út bạn sẽ vô hiệu.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Tiến Anh- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo