Tranh chấp đất đai khi không có GCNQSDĐ
Kính gửi luật sư! Mong luật sư tư vấn và chỉ dẫn tôi và gia đình. Nội dung như sau: Bố mẹ tôi sinh được 06 người con ( 02 gái và 04 trai), tôi là con trai trưởng của gia đình và dòng họ. Bố mẹ tôi có 2 thửa đất từ thời các cụ tổ tiên trước đây để lại: 01 thửa đất nhà thờ tổ tiên của dòng họ 270m2 và 01 thửa đất ở 240m2. Nhưng hiện nay thửa đất nhà thờ 270 m2 do người con trai thứ ba đứng tên QSDĐ ( sổ đỏ); thửa đất ở 240 m2 và ngôi nhà bố mẹ tôi bao công xây dựng do người con trai thứ hai đứng tên QSDĐ ( sổ đỏ). Lúc này anh em tôi đã trưởng thành đều lập gia đình nhưng Tôi và các thành viên khác trong gia đình không ai được biết khi anh H và C làm hồ sơ đứng tên QSDĐ hai thửa đất trên từ năm 1997. Sau nhiều lần hòa giải gia đình nhưng 2 người con thứ 2 & thứ 3 nói là tên của mình không trả ai cả. Các cụ tôi muốn lấy lại mảnh đất nhà thờ để làm nhà thờ riêng của dòng họ nhưng cũng không được. Vậy xin luật sư tư vấn cách giải quyết để tổ tiên có đất làm nhà thờ và tôi có được chia phần đất ở của bố mẹ không? Trước hết phải gửi đơn bắt đầu từ cấp thẩm quyền nào giải quyết . Vì các cụ tổ tiên lo lắng Rất mong luật sư sớm trả lời. Trận trọng cám ơn!
Trả lời tư vấn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về công ty luật Minh Gia. Với yêu cầu trợ giúp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo như những thông tin bạn cung cấp, 2 mảnh đất đã do 2 người anh của bạn đứng tên trên GCNQSDĐ. Với trường hợp tranh chấp đất đai mà bạn không có GCNQSDĐ, luật đất đai có quy định như sau:
Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Như vậy, nếu bạn không có GCNQSDĐ hoặc một trong các loại giấy tờ sau (theo điều 100 Luật Đất đai):
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
thì có thể chọn giải quyết là Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Về vấn đề chia đất của bố mẹ cho bạn, bạn chỉ được hưởng quyền sử dụng với phần đất này nếu như người đứng tên trên GCNQSDĐ tặng cho hoặc sang nhượng cho bạn quyền này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tranh chấp đất đai khi không có GCNQSDĐ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng,
CV. Đoàn Quỳnh Thơ - công ty luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất