Trạm thu phí là gì theo quy định pháp luật?
Mục lục bài viết
1. Trạm thu phí là gì theo quy định ?
Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi tắt là trạm thu phí) là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ (khoản 1 điều 3 Thông tư 15/2020/TT-BGTVT năm 2020)
Như vậy, trạm BOT (trạm thu phí) là địa điểm mà các phương tiện giao thông đi qua phải trả tiền phí để nhà đầu tư dự án thu hồi vốn và lợi nhuận. Mục đích của việc thu phí này là:
- Nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận: Vì dự án được triển khai trên 100% vốn của nhà đầu tư.
- Chi trả, bảo trì, nâng cấp các tuyến đường thuộc dự án BOT.
2. Tiêu chí thành lập trạm thu phí
Theo quy định tại điều 4 Thông tư 15/2020/TT-BGTVT năm 2020, trạm thu phí được thành lập dựa trên các tiêu chí như sau:
- Phải đặt trong phạm vi của dự án.
- Phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư.
- Phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.
- Phải ứng dụng công nghệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tiên tiến, hiện đại.
- Phải công khai vị trí trạm thu phí.
- Đối với dự án trên các tuyến đường địa phương có đấu nối vào phạm vi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên quốc lộ, phải có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải
3. Các hình thức thu phí tại trạm BOT
Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 điều 3 Thông tư 15/2020 nêu trên, có 2 hình thức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ như sau:
- Thu điện tử tự động không dừng là hình thức thu tự động, cho phép phương tiện tham gia giao thông không cần phải dừng lại trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi đi qua trạm thu phí.
- Thu một dừng là hình thức thu mà khi qua trạm thu phí, phương tiện tham gia giao thông chỉ phải thực hiện một lần dừng khi qua cửa kiểm soát làn để trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ
Hiện nay, các trạm BOT tại Việt Nam đang triển khai hai hình thức thu phí là thu phí thủ công một dừng (MTC) và thu phí điện tử không dừng (ETC)
* Thu phí thủ công một dừng (MTC)
Thu phí thủ công một dừng là hình thức thu phí truyền thống, khá phổ biến ở nước ta từ trước đến nay. Đây là hình thức thu phí bằng tay và chủ phương tiện cần dừng lại một lần khi thanh toán phí.
- Cách thức hoạt động:
Xe giữ nguyên làn chạy và dừng lại ở ô kiểm soát để mua vé, thanh toán. Khi thanh toán xong, xe có thể đi tiếp.
- Đặc điểm:
+ Dựa trên ấn chỉ mã vạch kết hợp với hậu kiểm thông minh.
+ Hệ thống nhận dạng biển xe tự động.
+ Sử dụng vé giấy, tiền mặt, hóa đơn.
+ Chủ phương tiện cần dừng lại để nộp phí và tiếp xúc trực tiếp với nhân viên soát vé.
* Thu phí điện tử không dừng (ETC)
Khác với hình thức thu phí thủ công một dừng, thu phí điện tử không dừng là hình thức thu phí mới, đã có mặt tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta trong những năm gần đây. Đây là hình thức thu phí dựa trên công nghệ hiện đại, chủ phương tiện không cần dừng lại và không tiếp xúc.
Theo quy định tại khoản 4 điều 3 Quyết định 19/2020/QĐ-TTg năm 2020 quy định về khái niệm về Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng như sau:
Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (sau đây gọi tắt là thu phí điện tử không dừng) là hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện giao thông đường bộ không cần phải dừng lại để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi tới trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Quá trình tính toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện tự động bởi hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (sau đây gọi tắt là hệ thống thu phí điện tử không dừng)
- Cách hoạt động: Xe chạy với tốc độ quy định qua làn thu phí. Thiết bị tại làn sẽ đọc mã số trên thẻ định danh dán ở kính/đèn xe và chụp lại biển số. Hệ thống thu phí kiểm tra thông tin, tài khoản giao thông và thanh toán tự động. Sau đó, hệ thống sẽ mở barrier cho xe đi qua và thông báo đã trừ tiền trong tài khoản cho chủ thẻ.
- Đặc điểm:
+ Dựa trên công nghệ hiện đại, hệ thống nhận dạng xe tự động.
+ Sử dụng hóa đơn điện tử và trừ tiền trong tài khoản giao thông (hoặc tài khoản liên kết).
+ Chủ phương tiện không cần dừng lại và không cần tiếp xúc trực tiếp với nhân viên soát vé.
Nhằm triển khai xây dựng hệ thống thu phí tự động không dừng giai đoạn 2, Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) đã được thành lập, thẻ thu phí không dừng ePass ra đời nhằm thực hiện, xây dựng thành công một Hệ sinh thái giao thông số.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất