Trách nhiệm thuộc về ai khi có hành vi đưa và nhận tiền hối lộ
Câu hỏi: Thưa luật sư. Tôi xin trình bày nội dung cụ thể như sau: (A= Trưởng phòng, B= Nhân viên 1(Tôi), C= Thủ Qũy, D= nhân viên 2 ) - Tại thời điểm ngày 6/2/2013 B từ huyện về tỉnh công tác. Khi xuống đến Kon Tum thì C (đang ở huyện) có gọi điện và xin số chứng minh nhân dân nhờ nhận và chuyển 32 triệu cho A (A ở tỉnh và có nhà ở tỉnh) từ Bưu điện tỉnh. Khi B nhận 32 triệu thì chạy lên nhà A và đưa tận tay cho A (A chỉ ở nhà 1 mình), khi đưa tiền cho A thì B có kẹp luôn biên lai nhận tiền từ bưu điện cho B và A không ký nhận cho B bất cứ chứng từ gì.Đến đầu năm 2014 đơn vị ông A công tác bị điều tra và C bị truy tố tội tham ô tài sản, qua quá trình điều tra đến đầu năm 2017 C mới cung cấp chứng từ chuyển tiền qua bưu điện cho cơ quan điều tra và nói 32tr C không tham ô mà chuyển cho B, nhờ B chuyển cho A để đi chúc Tết lãnh đạo (D là người chở C đi gửi tiền nên biết rỏ việc này). Trong quá trình đi điều tra B,C khai giống nhau nhưng A sợ trách nhiệm nên kiên quyết trốn tránh nói không có nhận số tiền 32tr từ B. Xin quý luật sư hỗ trợ B chính là tôi là người xin được tư vấn. Rất mong quý luật sư quan tâm, sớm phản hồi. Xin trân trọng cảm ơn./.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:
Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội đưa hối lộ tại điều 364 như sau:
Điều 364. Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
...
Như vậy, để bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đưa hối lộ, cần có đủ các hiệu cấu thành tội phạm quy định tại điều luật trên. Nếu bạn không hề biết khoản tiền đó dùng để đưa hối lộ, chỉ đơn thuẩn là giao tiền hộ người khác, thì tội danh trên có thể không cấu thành.
Để A chịu trách nhiệm với hành vi đã nhận tiền 32 triệu đồng từ B thì B, C, D đưa ra lời khai trung thực, ngoài ra B và C có thể cung cấp chứng cứ chứng minh việc A nhận số tiền này với mục đích lợi ích cá nhân cho cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án.
Căn cứ Điều 64 và Điều 65 Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2003 quy định:
"Điều 64. Chứng cứ
1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
2. Chứng cứ được xác định bằng:
a) Vật chứng;
b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;
c) Kết luận giám định;
d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác."
"Điều 65. Thu thập chứng cứ
1. Để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
2. Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án."
Như vậy, B, C, D cần đưa ra lời khai trung thực và cung cấp chứng cứ xác thực liên quan đến vụ án. Nếu không tìm được nguồn chứng cứ sẽ không thể có chứng cứ giải thích, làm sáng tỏ các tình tiết và diễn biến của vụ án, kéo theo hậu quả là các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đưa ra những kết luận không đúng, không chính xác và không đầy đủ đối với vụ án hình sự.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất