Trách nhiệm hình sự và dân sự của chủ thể có hành vi cố ý gây thương tích
Con trai của dì tên C đã dùng ly thủy tinh tôi đang để trên bàn đứng khoảng cách gần chừng 1,5m chọi vào mặt ba tôi gây thương tích nghiêm trọng (do cơ quan công an chưa đưa đi giám định nên không biết tỷ lệ thương tật là bao nhiêu) khâu 18 mũi ở môi, 4 mũi ở sống mũi, gãy xương mũi, xập hai vách ngăn phải tiến hành phẫu thuật mũi sau 1 tuần nằm viện. Riêng phần tôi và người dì thứ 9 đã bị nhóm người trên xông vào đánh, tuy không gây thương tích nghiêm trọng nhưng phải nằm điều trị 4 ngày tại bệnh viện (do bị đánh vào đầu gây co giật, ói và sưng vùng đầu), ... không những vậy bọn chúng còn đập phá đồ đạc trong nhà gồm tủ kính, bàn ghế, ly tách, .... vỡ tan tành.
Gia đình tôi không đồng ý bãi nại, do đây không phải lần đầu chúng tôi bị hành hung, nhưng những lần trước chúng tôi nghĩ là gia đình nên cho qua! nhưng lần này quá nghiêm trọng, hơn nữa họ còn đe dọa cả em gái, con tôi và chồng tôi. Những ngày gia đình tôi nằm viện không ai đến hỏi thăm, lo tiền thuốc men, viện phí và tiền phẫu thuật, đã vậy còn đe dọa nếu gia đình tôi làm đơn thưa sẽ tiếp tục dánh chúng tôi.
Tôi xin hỏi luật sư, nếu gia đình làm đơn khởi kiện thì mức án dành cho C là khoảng bao nhiêu năm? gia đình tôi xin đòi bồi thường thiệt hại cho cả 3 người gồm tôi, ba tôi, dì 9 tôi là bao nhiêu tiền? đây có được xử chung 1 vụ án gây thương tích gồm 4 người hay không? nếu không thì chỉ C bị truy tố còn 3 người kia có bị xữ lý hay không?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự: Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy hành vi của C có các dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích được quy định trong Bộ luật hình sự. Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, cụ thể là:
"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
E) Có tổ chức;
G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân".
Như vậy, tuỳ mức độ tổn hại sức khoẻ của người bị hại cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người phạm tội mà Toà án quyết định khung hình phạt và mức phạt cụ thể.
Thứ hai, về vấn đề bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm.
Tại Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó''.
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
''1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.''
Theo đó, người gây tổn hại cho sức khoẻ cho người khác, ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự (nếu hành vi đó thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm) thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật dân sự. Mức bồi thường và cách thức bồi thường do hai bên thoả thuận.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất