Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xảy ra tai nạn lao động
1. Luật sư tư vấn về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia, nhằm góp phần đảm bảo đời sống cho người lao động và gia đình của họ trong các trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,… Trong đó, chế độ tai nạn lao động là một trong những chế độ bảo hiểm xã hội ra đời sớm trong lịch sử phát triển của bảo hiểm xã hội, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đời sống cho người lao động khi có tai nạn bất ngờ xảy ra trong quá trình lao động.
Vì vậy, trong hệ thống các văn bản pháp luật lao động, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động, trách nhiệm chi trả trợ cấp của tổ chức bảo hiểm xã hội để giúp người lao động và người sử dụng lao động khắc phục khó khăn khi xảy ra tai nạn lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế khi có tai nạn lao động xảy ra thì người sử dụng lao động cũng như người lao động còn lúng túng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết chế độ tai nạn lao động.
2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xảy ra tai nạn lao động
Nội dung yêu cầu: Tôi là HL ở CB xin tư vấn việc như sau : Tháng 4/2015 Tôi thuê anh l lái máy Súc cho tôi, trả tiền công hàng tháng theo hợp đồng miệng là 6 triệu đồng . Ngày 8/2015 sau khi uống rượu say anh L tự lái máy Súc đi theo đường quốc lộ để đến nơi làm việc mới , nhưng do quá say xỉn không đủ minh mẫn nữa nên cả máy Súc và người lao xuống vực anh L chết tại chỗ . Sau sự việc xảy ra tôi đã thuê xe đưa xác anh L về nhà và tổ chức mai táng, vị chi đám tang hết 31 triệu đông, sau đó tôi đưa thêm cho gia đình anh L 20 triệu đồng . Thế nhưng hiện nay gia đình anh l đòi thêm 70 triệu đồng và bắt tôi phải nuôi con anh l mà vợ đang mang bầu 3 tháng đến 18 tuổi . Theo Luật sư tôi nên giải quyết việc này như thế nào cho đúng pháp luật. Tôi xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:
Theo như anh trình bày, anh với anh L có quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động mặc dù có thể về mặt hình thức thì hợp đồng lao động các anh ký kết không phù hợp với quy định của pháp luật. Vậy, quan hệ lao động trong trường hợp này sẽ do BLLĐ 2012 trực tiếp điều chỉnh, và cụ thể là các quy định về “ tai nạn lao động”.
Điều 142 BLLĐ 2012 quy định về tai nạn lao động như sau:
“ 1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.
2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.
3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ”.
Khoản 2 Điều 12 Nghị định 45/2013/ NĐ – CP quy định về tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng như sau:
“ 1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.
2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở”.
Như anh trình bày, anh L lái máy xúc đi theo đường quốc lộ để tới nơi làm việc mới, trên đường đi đã xảy ra tai nạn và hậu quả là anh L bị thiệt mạng. Chiểu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 45/2013 nêu trên thì xác định đây là tai nạn lao động.
Vậy, trách nhiệm của anh, với vai trò là chủ sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm theo quy định tại điều 144 BLLĐ 2012:
“ Điều 144 BLLĐ 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này”.
" Điều 145 BLLĐ 2012 quy định về quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp như sau:
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này”.
Anh và anh L chỉ giao kết hợp đồng bằng miệng, thông thường những trường hợp này người sử dụng lao động sẽ không đóng BHXH; BHYT; BHTN cho người lao động. Nếu anh đóng BHXH cho anh L, bảo hiểm xã hội sẽ chi trả chế độ tai nạn lao động cho anh L theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Anh không đóng BHXH cho anh L, anh phải có nghĩa vụ chi trả chế độ tai nạn lao động với số tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động mà Luật BHXH quy định.
Điều 47 Luật BHXH 2006 quy định về trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
“ Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu tháng lương tối thiểu chung”.
Anh L chết, do vậy anh có nghĩa vụ phải chi trả khoản trợ cấp một lần cho thân nhân của anh L với mức 36 tháng lương tối thiểu chung ( Lương tối thiểu chung tại thời điểm hiện tại là 1.150.000 VNĐ).
Ngoài ra, anh có trình bày anh L do uống rượu say đã tự đâm xuống vực và chết. Anh L trong trường hợp trên có lỗi cố ý trực tiếp; anh L có lỗi đối với tình trạng say của mình. Vậy, trường hợp của anh sẽ xác định tai nạn lao động do lỗi của người lao động và anh có trách nhiệm trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều 145 BLLĐ 2012.
Theo đó, anh có trách nhiệm trợ cấp tối thiếu : 40% x 30 x 1.150.000 VNĐ cho thân nhân của anh L.
Anh không có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho cháu bé con của anh L tới khi cháu 18 tuổi như yêu cầu của thân nhân anh L, mà chỉ có nghĩa vụ chi trả (36 tháng lương tối thiểu chế độ tai nan lao động và khoản tiền trợ cấp nêu trên).
Lưu ý: Nếu trường hợp anh đóng BHXH đầy đủ, thì anh sẽ không phải chi trả chế độ tai nạn lao động mà phía bảo hiểm xã hội sẽ chi trả khoản tiền này. Anh lưu ý nếu hợp đồng có thời hạn trên 3 tháng trở lên sẽ là đối tượng đóng BHXH bắt buộc, anh nên tuân thủ quy định của pháp luật để tránh bị áp dụng các biện pháp chế tài, đồng thời được chia sẻ rủi ro và đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất