Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trách nhiệm của công ty khi sa thải hoặc chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Luật sư tư vấn về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sa thải trái pháp luật. Cụ thể như sau:

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Cháu chào Luật sư ạ. Mong Luật sư tư vấn giúp cháu ạ.

Bố cháu năm nay 48 tuổi, bố cháu là công nhân trực lò hơi của 1 công ty gỗ. Công việc của bố cháu là xúc mùn cưa vào lò hơi để đốt. Có 1 hôm để dọn kho bãi quản đốc đã kí giấy xác nhận cho đốt 1 ít mẩu gỗ thừa để dọn bãi, nhưng mọi người đã đốt quá nhiều và đã bị quan sát lại bằng camera của công ty nên sự việc đã bị giám đốc sản xuất biết. Vì thế mà tổ trưởng và bố cháu bị thôi việc ạ, việc này là do tất cả mọi người trong tổ lò hơi đều đốt, không phải riêng gì bố cháu. Do bố cháu là ca trưởng của tổ nên bố cháu đã bị trừ lương và buộc thôi việc, còn các chú khác trong tổ bị trừ lương ạ. 

Ngày 14/12 vừa rồi công ty đã quyết định cho bố cháu thôi việc ạ. Bố cháu đã làm ở công ty được 15 năm rồi. Giờ tuổi bố cháu đã có nên để đi xin 1 công việc mới là rất khó. Mà hơn thế nữa là cũng gần hết năm rồi, bố cháu lại phải nghỉ việc thì cũng không còn khoản thưởng tết nào. Cháu thấy rất bất công cho bố cháu ạ. Vậy nên cho cháu hỏi là công ty buộc thôi việc bố cháu như vậy là hình phạt có quá nặng không ạ? Cháu mong nhận được phản hồi sớm của Luật sư ạ! Cháu chân thành cảm ơn ạ!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Bộ luật lao động 2012 quy định như sau: 

 

Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

"1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng."

 

Căn cứ theo quy định trên, nếu công ty muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng với bố bạn thi cần phải đáp ứng đầy đủ 2 điều kiện về lý do và thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Đối chiều với thông tin bạn cung cấp thì nếu công ty căn cứ vào sự việc trên để đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bố bạn là hoàn toàn trai pháp luật. Và hành vi này được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. 

 

Do trong nội dung yêu cầu tư vấn bạn không nói cụ thể về hình thức công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bố bạn là hình thức nào nên chúng tôi đặt ra trường hợp công ty chấm dưt HĐLĐ với bố bạn theo hình thức xử lý kỷ luật sa thải, như sau: 

 

Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

"Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

..."

 

Như vậy, nếu chứng minh được bố bạn có hành vi gây thiệt nghiêm trọng đến tài sản của công ty thì sẽ có cơ sở để xử lý kỷ luật sa thải. Tuy nhiên trong trường hợp này cần làm rõ vấn đề trách nhiệm của bố bạn đối với việc đốt mẩu gỗ thừa để dọn bãi. Theo đó nếu bố bạn được phân công chỉ được đốt một khối lượng gỗ vụn nhất định và có trách nhiệm quản lý việc đốt gỗ này, thì việc bố bạn để các công nhân khác đốt số lượng gỗ vượt quá mức cho phép dẫn đến hậu quả là gây thiệt hại nghiêm trọng đến  tài sản của công ty thì việc công ty xử lý kỷ luật sa thải đối với bố bạn là có căn cứ.

 

Tuy nhiên trong trường này, bạn cần lưu ý rằng việc xử lý kỷ luật sa thải người lao động phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, như sau:

 

Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

"1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

..."

 Theo đó nếu công ty không chứng minh được lỗi của bố bạn hoặc việc xử lý kỷ luật không được thực hiện đúng và đầy đủ theo nguyên tắc trên thì đều là hành vi sa thải trái pháp luật. 

 

Như vậy, nếu có căn cứ cho rằng công ty có hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật hoặc sa thải trái pháp luật thì công ty có nghĩa vụ bồi thường cho bố bạn theo quy định sau: 

 

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

"1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước."

 

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình bố bạn có thể gửi đơn khiếu nại trực tiếp đến lãnh đạo công ty. Nếu không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng có thể gửi đơn khiếu nại đến Phòng lao động - thương binh xã hội, nơi công ty đặt trụ sở. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm của công ty khi sa thải hoặc chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Luật gia Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn