Lò Thị Loan

Trách nhiệm chốt sổ BHXH cho người lao động

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động sẽ phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan đến chế độ và quyền lợi của mỗi bên, trong đó có thủ tục xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Vậy hiện nay pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện khi chấm dứt hợp đồng lao động? Trường hợp quyền lợi bị ảnh hưởng thì phải xử lý như thế nào?

Câu hỏi đề nghị tư vấn:

Công ty ơi cho tôi hỏi nếu tôi nghỉ không theo đúng luật lao động vì nghỉ việc nhưng chưa báo và làm 30 ngày thì công ty có trả lại sổ bảo hiểm hoặc sang công ty khác có thể làm lại cho tôi được không vì sổ bảo hiểm tôi cũng chỉ mới đóng được 3 tháng thôi ạ. Tôi cảm ơn rất nhiều khi Công ty giải đáp thắc mắc giúp tôi ạ!

Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, nghĩa vụ trả sổ bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 48 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định:

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng quy định rõ: “Người sử dụng lao động phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ bảo hiểm xã hội; cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH; khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên sau khi chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn. Trường hợp bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật thì bạn có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019.

Trường hợp của bạn là trường hợp tự ý nghỉ ngang, tuy nhiên vẫn được xác định là một trường hợp chấm dứt HĐLĐ. Do đó, công ty vẫn phải có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội theo quy định. Theo nguyên tắc, mỗi người chỉ có 1 mã số sổ BHXH, nên nếu bạn chưa được trả sổ BHXH thì có thể cung cấp mã sổ BHXH để công ty thứ mới khai báo và tiếp tục đóng tiếp vào số sổ cũ. Tuy nhiên, để tránh bị ảnh hưởng đến quyền lợi và các chế độ liên quan đến bảo hiểm xã hội sau này, bạn vẫn phải yêu cầu công ty cũ tiến hành chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn.

Thứ hai, thời gian trả sổ BHXH sau khi chấm dứt hợp đồng lao động

Khoản 4 Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về thời gian xác nhận sổ bảo hiểm xã hội như sau:

“4. Xác nhận sổ BHXH: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.”

Theo quy định thì thời gian chốt sổ bảo hiểm xã hội sẽ không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm sẽ tiến hành xác nhận sổ BHXH. Do đó, trường hợp bạn đã yêu cầu công ty chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho mình nhưng quá thời gian trên bạn có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để được giải quyết.

Trên đây là bài tư vấn liên quan đến trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp còn vướng mắc bạn có thể gửi câu hỏi để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo