LS Thanh Hương

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai?

Luật sư tư vấn trường hợp có thiệt hại phát sinh trong quá trình bốc dỡ hàng hóa, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này

 

Câu hỏi: Xin Chào Luật Sư. Tôi tên ngành vận tải và dịch vụ cho thuê xe nâng, xe cẩu . Nhưng tôi biết nghề và môi giới thôi để kiếm tiền hoa hồng. Tôi đăng và quảng cáo dịch vụ cho thuê xe nâng, xe cẩu trên mạng internet. Có thông tin công ty và địa chỉ nhưng không có đăng ký giấy phép kinh doanh như trên.  Vào ngày 11 tháng 5 năm 2018 . Tôi có nhận 1 cuộc điện thoại và nhận lời 1 Công Ty tới công ty xem 1 bộ máy móc thiết bị làm mẫu để báo giá . Sau khi xem và báo giá dịch vụ xe nâng, xe cẩu rút hoặc đưa máy móc ra khỏi xe container và vận chuyển máy móc bằng xe cẩu hoặc xe nâng vào bên trong đặt vào vị trí theo yêu cầu của Công ty . Tôi báo giá số tiền dịch vụ nêu trên trọn gói là 24.000.000 đ. Sau khi báo giá như trên qua lời nói bằng miệng không có văn bản hoặc hợp đồng gì hết. Bên Công ty đã đồng ý giá dịch vụ trọn gói như trên là 24.000.000 đ Tôi đã gọi điện thoại cho công ty khác là chú họ của tôi với báo giá như trên và dẫn chú tôi đi xem máy móc và chú tôi đã đồng ý làm. Hẹn ngày 12 tháng 5 năm 2018 tới làm dịch vụ như trên. Trong khi tôi đang dùng xe cẩu lấy máy ra khỏi container thì có người quản lý và chủ công ty đứng giám sát và hướng dẫn . Trong khi đang làm công việc của công ty giao cho như trên . Với kinh nghiệm làm nghề xe nâng, xe cẩu của chú tôi đã hơn 20 năm . Thì chú tôi làm theo kinh nghiệm của chú tôi. Nhưng bên phía công ty không cho chú tôi làm theo ý của chú tôi tại sợ làm hư máy móc . Mà theo ý của bên công ty sẽ an toàn hơn . Chú Tôi không chịu và làm theo ý của mình. Bên Công ty cứ đòi làm theo ý của bên công ty và nói cứ làm theo ý của bên công ty có gì hư hỏng bên công ty chịu trách nhiệm. Thế là chú tôi theo ý của bên công ty làm theo như vậy . Cứ thế đến cái thứ 3 thì cái máy đang cẩu bị rơi hoặc rớt bị hư hỏng nặng . Sau khi rơi hoặc rớt máy bị hỏng. Tôi có hỏi bên công ty giải quyết làm sao thì bên phía công ty đòi bên tôi phải đặt cộc 5 tỷ mới cho lấy xe cẩu và người ra khỏi công ty. Và tới khuya 12 giờ đêm bên phía công ty gọi công an tới và công an đã nói 2 bên làm biên bản thỏa thuận . Bên phía công ty làm biên bản thỏa thuận sai sự thật và quy trách nhiệm bên tôi hoàn toàn và bắt tôi ký thì mới được về còn xe cẩu thì phải giam lại để đền bù xong mới được lấy xe cẩu về. Vì muốn được về nên tôi đã ký vào biên bản ( trong biên bản có nguyện sẽ đền bù xong thì mới được lấy xe về ) tôi đã ký tên và mang danh là người đại diện còn tên công ty trong biên bảng là của chú tôi, xe cẩu cũng là của chú tôi luôn. Xin Luật Sư tư vấn cho tôi là :

1. Ai là người chịu trách nhiệm đèn bù thiệt hại ?

2. Tôi có phải chịu trách nhiệm đèn bù thiệt hại không ?

3. Tôi làm như vậy có ảnh hưởng hoặc liên quan đến việc đăng tải thông tin hoặc quảng cáo mà không đăng ký giấy phép kinh doanh dịch vụ như trên có trái pháp luật hay không, và liên quan thiệt hại như trên do chú tôi làm hay không? Xin Cám ơn Luật Sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Điều 584 như sau:

 

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Như vậy, nếu có đủ các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều luật trên thì vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ đặt ra. Trong trường hợp này, chú của bạn là người trực tiếp gây thiệt hại, tuy nhiên không phải mọi trường hợp người gây thiệt hại sẽ phải tiến hành bồi thường. Để xác định rõ hơn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên, chúng tôi xin phân tích cụ thể các cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

 

Có hành vi trái pháp luật:

 

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có hành vi trái pháp luật và chỉ áp dụng với người có hành vi đó. Về nguyên tắc một người có nghĩa vụ mà không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đó thì được coi là vi phạm pháp luật về nghĩa vụ vì nghĩa vụ đó là do pháp luật xác lập hoặc do các bên thỏa thuận, cam kết và đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

 

tuy nhiên không phải mọi trường hợp người gây thiệt hại sẽ phải tiến hành bồi thường, đó là các trường hợp:

 

- Thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng: thiên tai, bão lũ, dịch bệnh,…

 

- Thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại

 

Có thiệt hại xảy ra trong thực tế:

 

Thiệt hại xảy ra do vi phạm nghĩa vụ dân sự bao gồm: những tài sản bị mất mát hoặc bị hủy hoại hoàn toàn, những hư hỏng, giảm sút giá trị về tài sản, những chi phí mà người bị vi phạm phải bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những hậu quả do người vi phạm nghĩa vụ gây ra, những tổn thất do thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.

 

Có mối quan hệ giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra:

 

Cụ thể hành vi vi phạm là nguyên nhân và thiệt hại xảy ra là kết quả, chỉ khi nào thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm pháp luật thì người vi phạm mới phải bồi thường thiệt hại.

 

Mặt khác, nếu có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thiệt hại thì khi xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về ai cần xem xét hành vi vi phạm của họ có quan hệ như thế nào đối với thiệt hại xảy ra để tránh sai lầm khi áp dụng trách nhiệm dân sự.

 

Có yếu tố lỗi của người vi phạm nghĩa vụ dân sự:  

 

Lỗi trong trách nhiệm dân sự được quy định tại Điều 364 như sau:

 

Điều 364. Lỗi trong trách nhiệm dân sự

 

Lỗi trong trách nhiệm dân sự bao gồm lỗi cố ý, lỗi vô ý.

 

Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

 

Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

 

Theo đó, chỉ khi có đủ 4 căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như đã phân tích ở trên thì chú của bạn mới phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại với bên công ty đối tác. Cần làm rõ hành vi gây thiệt hại của chú bạn phát sinh dựa trên lỗi của bên nào? Là lỗi của chú bạn trong việc xử lý thao tác nghiệp vụ không đảm bảo, hay do lỗi của công ty đối tác khi yêu cầu một phương thức tháo dỡ hàng hóa dễ gây rủi ro? Yếu tố lỗi thuộc về bên nào thì bên đó phải chịu phần trách nhiệm nhất định đối với thiệt hại phát sinh.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bên công ty đối tác yêu cầu chú bạn thao tác bốc dỡ hàng theo phương pháp của riêng họ và đảm bảo nếu có ruit ro với phương pháp này thì sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Vậy, nếu vấn đề hư hỏng máy móc trong quá trình bốc dỡ hàng là do phương pháp công ty đối tác đưa ra không bảo đảm an toàn kỹ thuật, về phần chú bạn đã thực hiện đúng và đủ các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hàng hóa trong quá trình bốc dỡ,… thì trường hợp này, thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của phía người bị thiệt hại (công ty đối tác) và chú bạn sẽ không phải bồi thường.

 

Tuy nhiên, rất khó chứng minh chú bạn hoàn toàn không có lỗi trong việc thao tác máy móc lấy hàng, những lỗi này có thể do nguyên nhân cẩu thả, quá tự tin dẫn đến sai phạm trong quy trình tháo dỡ hàng hóa dẫn đến thiệt hại. Nếu xác định thiệt hại đối với hàng hóa máy móc trên vừa do lỗi của phía công ty đối tác, cũng có lỗi của chú bạn trong việc không đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật nghiệp vụ, thì đây được xác định là thiệt hại do nhiều người cùng gây ra.

 

Vấn đề bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra được quy định tại Điều 587 – Bộ luật Dân sự như sau:

 

Điều 587. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

 

Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

 

Theo đó, nếu trong trường hợp thiệt hại với hàng hóa máy móc được xác định do lỗi của cả hai bên – công ty đối tác và chú bạn thì các bên sẽ liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 

Thiệt hại phát sinh do tài sản bị xâm phạm được quy định cụ thể tại Điều 589 – Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

 

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

 

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

 

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

 

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

 

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

 

Các bên có thể dựa trên những căn cứ quy định tại Điều luật trên để xác định thiệt hại xảy ra trên thực tế và từ đó thỏa thuận vấn đề bồi thường, trong trường hợp các bên cùng có lỗi dẫn đến thiệt hại, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được chia theo tỷ lệ lỗi dẫn đến thiệt hại đó, hoặc xác định dựa trên sự thỏa thuận của hai bên.

 

Vấn đề anh thực hiện kinh doanh hàng hóa nhưng không thông qua thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh, anh có thể bị xử phat hành chính theo quy định tại Khoản 7, Điều 1 – Nghị định 124/2015/NĐ-CP như sau:

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

 

7. Sửa đổi Điều 6 như sau:

 

Điều 6 Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 xử phạt vi phạm hành chính đối với Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như sau:

 

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

 

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

 

Do anh không trình bày rõ loại hình kinh doanh của anh là dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp, nên chúng tôi cung cấp hai mức xử phạt như trên đối với hành vi kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/doanh nghiệp theo quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Bùi Thanh Hương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo