Luật sư Phùng Gái

Trách nhiệm bồi thường chi phí bồi dưỡng đào tạo khi chấm dứt hợp đồng làm việc?

Câu hỏi tư vấn: Tôi là cán bộ viên chức làm việc ở một Viện X thuộc một Bộ Y. Trong thời gian công tác tại đây, tôi có đi học Thạc sỹ và Tiến sỹ 5 năm bằng nguồn học bổng của trường bên nước ngoài tài trợ. Trong đó thời kỳ làm Tiến sỹ của tôi học bổng là do nhà trường cấp cho sinh viên thuộc khuôn khổ một dự án kết hợp với VN mà Viện X là một thành phần thực hiện dự án.

 

Tuy nhiên học bổng này dành cho tất cả các sinh viên Việt Nam chứ không phải chỉ người làm việc ở Viện X. Nay tôi muốn xin chuyển công tác sang Bộ Z nhưng bên Viện X yêu cầu tôi phải bồi thường chi phí học tập. Như vậy có đúng không? Theo như tôi được biết luật quy định nếu viên chức học tập theo chế độ cử tuyển thì sẽ không phải đền bù. Nay Viện X chuyển hồ sơ của tôi lên vụ tổ chức cán bộ của Bộ Y. Tôi xin hỏi là thủ tục sẽ như thế nào trong trường hợp họ không cho tôi chuyển công tác và tôi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, họ có trả lại sổ bảo hiểm cho tôi không?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Luật viên chức năm 2010 về bồi thường chi phí đào tạo của viên chức khi chấm dứt hợp đồng làm việc. Cụ thể:

 

Điều 35. Trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng

 

1. Viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

 

2. Viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương.

 

3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.

 

Nghị định 29/2012/NĐ-CP Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

 

Điều 35. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng 


Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được chi trả từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

 

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn để xác định có phải bồi thường chi phí đào tạo hay không sẽ phải xác định giữa bạn và đơn vị có ký kết hợp đồng đào tạo hay không và nguồn quỹ tài trợ học bổng quá trình đi học tiến sĩ mà do tổ chức nước ngoài bỏ ra là do tự bản thân bạn xin được học bổng hay thông qua đơn vị làm việc của mình xin cử đi.

 

+ Trong trường hợp nguồn học bổng bạn nhận được là do tự xin và trúng tuyển (không thông qua đơn vị). Đồng thời, có bản xác nhận của tổ chức chi trả quỹ học bổng xác nhận về vấn đề trên và giữa bạn và đơn vị không có ký cam kết về hợp đồng đào tạo bồi dưỡng thì khi chấm dứt hợp đồng làm việc sẽ không phải thanh toán chi phí đào tạo cho đơn vị .

 

+ Trường hợp, nguồn học bổng này là do đơn vị liên hệ với nguồn tài trợ nước ngoài (trong khuôn khổ dự án kết hợp với Việt Nam - Viện X của bạn là một thành phần thực hiện dự án) để nhận học bổng và cử bạn đi thì mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ là do bên nước ngoài không liên quan tới đơn vị nhưng căn cứ vào quy định tại Điều 35 Nghị định 29/2012 thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn số chi phí đào tạo đó. Do đó, yêu cầu của đơn vị đối với bạn là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. 

 

** Trường hợp, đơn vị không giải quyết cho bạn nghỉ thì về nguyên tắc bạn vẫn phải thực hiện làm việc cho đơn vị. Nếu bạn không muốn tiếp tục làm việc (đơn phương chấm dứt) thì phải xác định căn cứ chấm dứt có đúng quy định pháp luật - có thuộc một trong các trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng để là căn cứ giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại và giải quyết chế độ liên quan. Tuy nhiên, dù đơn phương đúng hay trái quy định pháp luật thì đơn vị vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

 

- Trách nhiệm của đơn vị khi chấm dứt hợp đồng làm việc.

 

Điều 30 Luật viên chức năm 2010 quy định:

 

 

 

Điều 30. Giải quyết tranh chấp về hợp đồng làm việc

 

Tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động.

 

Đồng thời, quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012: 

 

Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

 

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

 

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

 

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

 

Theo đó, khi chấm dứt hợp đồng làm việc đơn vị bạn đang lam việc (viện X thuộc Bộ y tế) có trách nhiệm thanh toán tiền lương, chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp, đơn vị không giải quyết thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại để buộc đơn vị thực hiện nghĩa vụ của mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm bồi thường chi phí bồi dưỡng đào tạo khi chấm dứt hợp đồng làm việc?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo