Lại Thị Nhật Lệ

Trả tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kính gửi văn phòng Luật sư Minh Gia, Tôi và một người bạn có chung ý định mở trung tâm Anh ngữ khi tôi đang là du học sinh tại Anh. Chúng tôi bắt đầu triển khai đăng ký hoạt động kinh doanh, mua trang thiết bị... và tôi bắt đầu gửi về Việt Nam vào tài khoản của bạn tôi nhiều lần với số tiền khác nhau (tổng giá trị lên đến 400 triệu đồng).

Tôi chính thức về Việt Nam và quản lý công ty thì phát hiện ra rằng bạn tôi có kế hoạch lừa đảo tôi và dàn dựng nên ý tưởng thành lập công ty với tôi. Người đó là một siêu lừa vì thị đã giở trò dụ dỗ người làm ăn cùng nhiều lần rồi lân la làm quen, lợi dụng lòng tin để vay mượn tiền , bảo đầu tư rồi trốn mất.

Trước đây khi kết hợp làm ăn với tôi thì người đó đã biển thủ tiền của công ty cũ là trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ 150 triệu, quỵt tiền ăn của quán cơm, khách sạn, không trả tiền học cho con và chuyển trường liên tục, không trả tiền cho giúp việc và trông trẻ... Sau khi tôi tố cáo người đó thì công an đã thụ lý, điều tra , bắt giam được đối tượng cũng như lấy lời khai về toàn bộ sự việc . Thị đã thừa nhận hành vi gian dối và lừa đảo, dựng nên nhiều chi tiết bất thường để chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên xét về mặt dân sự, thị vẫn được tự do để đi xoay tiền trả tôi, số tiền là 400 triệu phải trả trong vòng 1 tháng. Tôi muốn công ty tư vấn cho tôi trong trường hợp thị không có khả năng chi trả số tiền này trong vòng 1 tháng. Tôi không thể kéo dài thời gian chờ đợi được vì tôi đang rất cần tiền để đi học ở nước ngoài. Còn trong trường hợp người đó có thể trả hết số tiền nợ thì liệu khung hình phạt có thể được giảm nhẹ tội hay không ? Tôi xin cám ơn

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ theo Điều 70 luật thi hành án dân sự năm 2014 quy định về căn cứ cưỡng chế thi hành án:

 

Căn cứ để cưỡng chế thi hành án bao gồm:

 

1. Bản án, quyết định.

 

2. Quyết định thi hành án.

 

3. Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.

 

Căn cứ theo Điều 71 luật thi hành án năm 2014 quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành án:

 

1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

 

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

 

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

 

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

 

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

 

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

 

Như vậy, khi hết thời hạn 1 tháng mà người kia không thực hiện nghĩa vụ trả số tiền 400 triệu đồng cho bạn thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành thực hiện cưỡng chế thi hành án. Cơ quan thi hành án sẽ thực hiện các biện pháp như: Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ…. Nếu tài sản của người kia không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bạn khi đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án thì bạn chỉ thực hiện đòi số tiền trên sau khi người kia ra tù. 

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 51 về Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

 

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

 

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

 

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; 

 

Đối với trường hợp của bạn, Nếu người kia thực hiện trả lại số tiền đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho bạn và những người khác thì sẽ được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điều 51 của BLHS: “ Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”. Tòa án sẽ căn cứ vào tình tiết vụ án, mức độ tội phạm và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định mức hình phạt cụ thể. 

 

Theo Điều 54 bộ luật hình sự quy định về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật hoặc Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. 

 

Trân trọng!
Cv: Vũ Nga – Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo