Tội rất nghiêm trọng là gì? Quy định hình phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khái quát về tội phạm
Tội phạm có chung dấu hiệu là có tính nguy hiểm cho xã hội nhưng tính nguy hiểm này không giống nhau mà có sự khác nhau giữa các tội phạm. Chính vì vậy, cần làm rõ khái niệm thế nào là tội phạm trước khi tìm hiểu về tội phạm rất nghiêm trọng.
Khái niệm về tội phạm:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội phạm như sau:“1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. 2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.” Có thể thấy, tội phạm là hành vi, có thể là hành vi hành động hoặc không hành động. Tội phạm được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự và do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm hại các quan hệ xã hội mà Bộ luật hình sự bảo vệ và phải chịu hình phạt.
Đặc điểm của tội phạm:
Tội phạm là hành vi có các đặc điểm như sau:
Tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội: tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho xã hội...
Tính trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt: Hành vi phạm tội được quy định trong luật hình sự, người phạm tội phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình.
Chủ thể: Do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý.
Tính có lỗi của hành vi: Lỗi là thái độ tâm lý chủ quan của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra, người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý hoặc vô ý.
2. Tội phạm rất nghiêm trọng là gì?
Xét về mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, tội phạm được chia thành bốn loại:
- Tội phạm ít nghiêm trọng;
- Tội phạm nghiêm trọng;
- Tội phạm rất nghiêm trọng;
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội phạm rất nghiêm trọng như sau:
"Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ 07 năm tù đến 15 năm tù".
Như vậy, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, mức cao nhất của khung hình phạt cho tội này là 07 năm tù đến 15 năm tù.
3. Quy định hình phạt đối với tội rất nghiêm trọng
Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, có hai dấu hiệu xác định loại tội phạm rất nghiêm trọng đó là tính nguy hại rất lớn cho xã hội và mức cao nhất của khung hình phạt. Căn cứ tại khoản 3 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì khung hình phạt đối với tội phạm rất nghiêm trọng là từ trên 07 đến 15 năm tù. Theo đó, khung hình phạt cao nhất của tội rất nghiêm trọng là 15 năm tù. Khung hình phạt cao nhất dựa vào quy định của pháp luật hình sự mà không phải dựa vào số năm tù trong bản án mà Tòa án tuyên.
4. Một số tội phạm rất nghiêm trọng quy định trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
- Tội giết người quy định tại khoản Điều 123 Bộ luật hình sự như sau:
"2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm." Cụ thể nếu người phạm tội không thuộc các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a, Giết 02 người trở lên;
b, Giết người dưới 16 tuổi;
c, Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d, Giêt người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ, Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;..."
- Tội hiếp dâm quy định tại khoản 2 Điều 141 Bộ luật hình sự như sau:
"2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm."
- Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại khoản 2 Điều 144 Bộ luật hình sự như sau:
"2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm."
Ngoài các tội nêu trên, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 còn quy định nhiều tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng như: Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người quy định tại khoản 2 Điều 154; Tội sản xuất trái phép chất ma túy quy định tại khoản 2 Điều 248; Tội mua bán trái phép chất ma túy quy định tại khoản 2 Điều 251; Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại khoản 2 Điều 255...
Trên đây là bài tư vấn của Luật Minh Gia về tội phạm rất nghiêm trọng. Phân loại tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa trách nhiệm hình sự, quy định khung hình phạt. Qua bài viết này chúng tôi hi vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về loại tội phạm rất nghiêm trọng và hình phạt về loại tội này.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất