Cao Thị Hiền

Tội phạm sử dụng công nghệ cao là gì? Đặc điểm?

Thời đại 4.0 đang phát triển vượt trội, đi kèm với đó là sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Song song với lợi ích mà công nghệ mang lại thì hệ quả xảy ra là sự xuất hiện của loại tội phạm công nghệ cao với nhiều chiêu thức và thủ đoạn tinh vi. Tội phạm này thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau làm ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, xã hội. Vậy tội phạm sử dụng công nghệ cao là gì? Đặc điểm của loại tội này thế nào? Hãy cùng Luật Minh Gia tìm hiểu.

1. Tội phạm sử dụng công nghệ cao là gì?

Nghị định số 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạ pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao có đưa ra cách hiểu tội phạm công nghệ cao như sau: “1. Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự có sử dụng công nghệ cao.”

Như vậy, có thể hiểu, tội phạm công nghệ cao là tội phạm cố ý sử dụng tri thức, kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương tiên công nghệ thông tin tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính. Tội phạm sử dụng công nghệ cao không phải là một tội danh độc lập được quy định trong Bộ luật hình sự mà nó là tổ hợp của những tội phạm sử dụng tri thức về công nghệ cao để xâm phạm các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

2. Đặc điểm của tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thứ nhất, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn thông tin, làm tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao xâm phạm an toàn thông tin tác động trực tiếp đến 3 thuộc tính của an toàn thông tin đó là tính bảo mật; tính toàn vẹn và tính khả dụng.

Thứ hai, theo pháp luật hiện hành, một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi hành vi đó được quy định trong Bộ luật hình sự. Do đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những hành vi được xác định là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự.

Thứ ba, chủ thể thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao là bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự. Song, thông thường những người thực hiện tội phạm công nghệ cao là những người có kiến thức, kỹ năng để trực tiếp khai thác, sử dụng, thiết bị, công cụ, phương tiện công nghệ hoặc trực tiếp phát triển, ứng dụng công nghệ.

Thứ tư, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bởi lỗi cố ý. Khi thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái với quy định của pháp luật, có thể gây hậu quả xấu cho các tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho những hậu quả xấu xảy ra.

Thứ năm, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bằng việc sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao. Ví dụ như hành vi truy cập bất hợp pháp, cản trở bất hợp pháp việc truyền tải dữ liệu máy tính; can thiệp trái phép vào dữ liệu; sử dụng trái phép thiết bị;…

3. Một số loại tội phạm công nghệ cao theo Bộ luật hình sự

Tội phạm công nghệ cao được xếp vào nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Tội phạm sử dụng công nghệ cao được chia thành hai nhóm: 

- Nhóm tội phạm gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao thuần túy xâm phạm trật tự an toàn thông tin gồm các Điều sau:

Điều 285: Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Điều 286: Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.

Điều 287: Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng vieenc thông, phương tiện điện tử.

Điều 288: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Điều 289: Tội xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

- Nhóm tội phạm truyền thông sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính làm công cụ phạm tội gồm các Điều sau:

Điều 290: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Điều 291: Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.

Điều 292: Bị bãi bỏ.

Điều 293: Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh.

Điều 294: Tội cố ý gây nhiễu có hại.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn