LS Hồng Nhung

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị truy cứu trách nhiệm như thế nào?

Kính gửi Công ty Luật Minh Gia Năm 2013, tôi có thế chấp căn nhà cho ngân hàng để cùng với nhiều người hùn vốn thành lập công ty sản xuất chỉ may với vốn điều lệ là 10 tỷ đồng (tôi có 4% cổ phần) và bầu anh A làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc công ty, trong đó mọi người đồng ý trích một phần vốn 4 tỷ đồng để trồng và kinh doanh vườn lan dưới hình thức cho anh A đứng tên trong hợp đồng vay cá nhân để kinh doanh lan.

Vườn lan do anh A quản lý trong năm đầu tiên có sổ sách thu chi và hoàn trả lại tiền vay cho công ty. Nhưng với lý do cắt giảm chi phí nên 3 năm nay vườn lan được dời về nhập chung với vườn lan riêng của anh A ở nơi khác , và trong ba năm này không hề có một báo cáo về tình hình hoạt động cũng như thu chi của vườn lan. Thời gian gần đây tôi phát hiện trong quá trình điều hành công ty anh A: -         Tổ chức bán chỉ không hóa đơn, số tiền bán hàng không hóa đơn được khách hàng chuyển khoản vào tài khoản riêng của anh A nhưng không hoàn trả lại cho công ty với số tiền hơn 1.5 tỷ đồng, việc làm này kéo dài từ năm 2014 đến 31/12/2016. -  Năm 2016: Bán chỉ không hóa đơn, bán phế liệu của công ty thu tiền nhưng chỉ đạo kế toán làm phiếu thu tiền ghi nội dung “ Vườn lan trả nợ gốc” với số tiền gần 150 triệu đồng. ( Tổng số tiền vườn lan trả nợ gốc năm 2016 là 193 triệu đồng) Đến thời điểm 31/12/2016, theo sổ sách chứng từ kế toán vườn lan do anh A đứng tên vay của công ty còn nợ công ty 2.8 tỷ đồng cùng với hơn 800 triệu tiền lãi vay ( lãi suất 1%/tháng do chi cục thuế bắt buộc tính lãi suất). Hội đồng quản trị không hề biết việc làm này của anh A, và tôi đã thông báo cho hội đồng quản trị cùng một số cổ đông khác biết vụ việc. Trong cuộc họp cổ đông ngày 30/03/2017, anh A thừa nhận tại đại hội đồng cổ đông có chiếm giữ các số tiền bán hàng không hóa đơn nhưng không nói rỏ con số cụ thể và chỉ giữ nó để chi cho các việc sau: -    Chi cho các khoản không có hóa đơn của công ty như là: quản lý môi trường, pccc -  Vườn lan từ đầu năm 2017 đên nay không bán được lan nên dung số tiền này để chi trả nhân công, điện, nước. Tất cả hội đồng cổ đông đều đồng ý với lý giải này của anh A nhưng riêng tôi không đồng ý với lý giải của anh A. Xin hỏi Công ty Luật Minh Gia: -         Hành vi của anh A có vi phạm pháp luật hay không, nếu có thì vi phạm theo điều luật nào? -         Nếu có vi phạm thì tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình. Xin chân thành cám ơn!

Trả lời tư vấn: Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, xác định hành vi vi phạm pháp luật của anh A

Để xác định anh A có vi phạm pháp luật không và nếu vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hay không cần căn cứ vào hành vi và giá trị của số tiền người này chiếm đoạt.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn, anh A và một số người khác có góp vốn thành lập công ty và sau đó công ty có rút một phần vốn điều lệ cho anh A đứng tên trong hợp đồng vay cá nhân để kinh doanh lan. Tuy nhiên, sau 1 năm anh A không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, có hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, cụ thể như anh A tổ chức bán không hóa đơn, số tiền bán hàng không hóa đơn được khách hàng chuyển khoản vào tài khoản riêng của anh A nhưng không hoàn trả lại cho công ty, và số tiền anh A chiếm đoạt trên 4 triệu đồng. Như vậy, hành vi của anh A có thể cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.”

Thứ hai, bảo vệ quyền lợi của bạn

Bạn có thể khởi tố anh A theo thủ tục tố tụng hình sự. Bạn có thể tố cáo hành vi này đến cơ quan công an, viện kiểm sát.

Về thủ tục khởi tố vụ án hình sự:

* Hồ sơ bao gồm:

- Đơn tố cáo và đề nghị khởi tố gửi Viện kiểm sát nhân dân

- Bằng chứng, chứng cứ kèm theo

Trân trọng

CV. Hải Hằng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169