LS Vy Huyền

Tội cố ý gây thương tích mà tỉ lệ thương tật là 80% thì bị xử lý như thế nào?

Em có 1vấn đề xin nêu ra nhờ các chuyên gia tư vấn giúp em.Chuyện là: em đang làm bảo vệ tại 1 toà nhà ở thành phố HCM. Vào tháng 8 năm 2016, em bị 3 đối tượng lạ mặt xông vào đánh và đâm em bị trọng thương , em phải nhập viện, cùng ngày công an có vào lấy lời khai và đã xác định được chủ mưu...

 

Sau 5 tháng điều tra, công an quận có mời em lên bảo là phía đối tượng chủ mưu đâm em xin bồi thường cho em với số tiền là 18 triệu đồng.em làm giấy đồng ý cho đối tượng bồi thường. Cụ thể là:. Từ 22 tháng 1 đến 30 tháng 1 đối tượng sẽ đưa em 8 triệu đồng. Còn lại 10 triệu sẽ đưa em vào cuối tháng mỗi tháng 2triệu đồng bắt đầu từ cuối tháng 2/2017. Cho đến tháng cuối tháng 6 năm 2017. Thế nhưng trong tháng 1 năm 2017 đối tượng chỉ đưa em 5 triệu đồng cho đến nay không đưa thêm 1 khoảng tiền theo như thoả thuận. Em có nhiều lần điện thoại nhưng đối tượng bảo " khi nào có tiền sẽ đưa, đừng có lằn nhằn nữa, anh báo cho mày biết anh đã lo cho công an hết rồi đừng có dọa tố cáo anh không sợ đâu. Nếu anh không lo thì công an đã bắt giam từ lâu rồi."Vậy xin hỏi bây giờ em phải làm thế nào ạ. Em có thể viết đơn tố cáo đề nghị huỷ đơn thoả thuận giải quyết dân sự mà em đã viết trước đó không. Nếu viết thì gửi cho cơ quan nào.và viết như thế nào( cho em xin mẫu đơn ) giám định y khoa vết thương của em là 80%. Vậy khi ra toà mức hình phạt cho các đối tượng ra sao?(3 đối tượng đâm em và 1 chủ mưu ) và em sẽ được bồi thường ra sao ạ.em đang làm với mức lương 7triệu đồng / tháng. Và vết sẹo lớn trên người em có được bồi thường (thẩm mỹ) không ạ. Rất mong sự giúp đở của các chuyên gia. Em xin chân thành cảm ơn!

 

 Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia,với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

 Theo quy định tại  điều 104 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

 

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

 

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

 

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

 

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

 

e) Có tổ chức;

 

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

 

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

 

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.

 

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ  61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 

 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

 

Căn cứ theo quy định tại điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003  quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại :

 

Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại

 

1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

 

2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

 

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

 

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

 

Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại trong trường hợp thuộc khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến dưới 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này.Những trường hợp mà tỉ lệ thương tật trên 30% thì không cần đơn yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại, người có hành vi cố ý gây thương tích vẫn bị khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

 

Như vậy,do tỉ lệ thương tật của bạn là 80% thuộc khoản 3 điều 104 bộ luật hình sự nên trong trường hợp này cơ quan công an không tiến hành khởi tố vụ án mà cho phép hai bên thỏa thuận  đền  bù một khoản tiền với nhau là sai quy định của pháp luật.Vì vậy, đơn đồng ý thỏa thuận khoản tiền đền bù là 18 triệu đồng giữa bạn và người có hành vi cố ý gây thương tích sẽ không được chấp nhận.

 

Đối với trường hợp của bạn, người có hành vi cố ý gây thương tích  mà tỷ lệ thương tật  từ  61% trở thì  có thể bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.Đồng thời, do trong trường hợp này có 3 người thực hiện hành vi đánh bạn và 1 người chủ mưu nên họ có thể bị truy tố về tội đồng phạm.Theo đó,tùy theo mức độ tham gia cũng như vai trò của từng người mà có thể có mức hình phạt tương ứng khác nhau.

 

Điều 20. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2.  Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

                                          

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV Thúy Vân - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo