Tội cho vay nặng lãi bị xử lý như thế nào?
1. Luật sư tư vấn Luật Hình sự
Có thể thấy rằng, với sự phát triển của kinh tế như hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư và kéo theo sự phân hóa giàu nghèo nhất định. Nhiều người do không còn tài sản, tiền bạc, của cải tích lũy để đầu tư, sinh hoạt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống dẫn đến việc phải đi vay của cá nhân hoặc tổ chức.
Để quản lý hiệu quả hoạt động cho vay cũng như đảm bảo tính minh bạch, hợp lý về lãi suất và khả năng trả của bên vay, trong Bộ luật dân sự đã quy định rất rõ ràng về mức lãi suất đối với bên cho vay không phải là tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, khi vượt quá mức lãi suất này, tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Nếu bạn đang có thắc mắc xoay quanh vấn đề cho vay lãi nặng, không biết lãi suất bao nhiêu là phù hợp với quy định của pháp luật hay bao nhiêu thì phải chịu xử lý hình sự hoặc hành chính.
2. Tư vấn tội cho vay nặng lãi
Câu hỏi tư vấn: Gần đây tôi thấy việc cho vay nặng lãi tràn lan và ngang nhiên ép buộc, cưỡng đoạt tài sản của người khác, vậy Những người cho vay với lãi suất quá cao 5%/tháng có bị truy tố trước pháp luật không? Pháp luật quy định thế nào về trường hợp này?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
ĐIều 201 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội cho vay lãi nặng như sau:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:
- Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ năm lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, tương ứng với 1,67%/tháng. Tức nghĩa, nếu bên cho vay cho vay với mức lãi suất 8,35%/tháng thì đã vượt quá 5 lần mức lãi suất cơ bản pháp luật cho phép.
- Thứ hai: đã thu lợi bất chính từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng.
Như vậy, với trường hợp bạn nêu mức lãi suất cho vay là 5%/tháng, chưa vượt quá từ 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất do đó chưa có căn cứ xử lý hình sự theo quy định tại ĐIều 201 đã nêu trên.
Tuy nhiên, mức lãi suất này đã vi phạm quy định về lãi suất trong hợp đồng vay trong pháp luật dân sự do đó nếu bên vay khởi kiện ra tòa thì tòa án sẽ không công nhận mức lãi suất vượt quá 1,67% và điều chỉnh về mức lãi suất cơ bản.
----------------
Bạn có thể tham khảo thêm nội dung tư vấn áp dụng theo quy định của Bộ luật hình sự 1999
Theo điều 163 Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau:
"1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Như vậy, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:
- Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 Điều 476 Bộ Luật Dân sự về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng, nếu lãi suất cho vay gấp 10 lần mức lãi suất này thì có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi.
Ví dụ: Ngân hàng nhà nước quy định lãi suất cao nhất đối với cho vay tiền Việt Nam (đồng) kỳ hạn 3 tháng là 1%/tháng, lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận là 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 1,5%/tháng thì hành vi cho vay tiền (VN Đồng) kỳ hạn 3 tháng với mức lãi trên 15%/tháng (gấp từ 10 lần mức lãi suất tối đa pháp luật cho phép trở lên) sẽ bị coi là cho vay lãi nặng.
- Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Về trường hợp của bạn đã nêu, hiện lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố là 9%/năm tức 0.75%/ tháng, lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận là 150% của lãi suất đó tức là không quá 1.125%/tháng, như vậy những người cho vay với lãi suất 5%/tháng sẽ khôngbị truy tố với tội danh cho vay nặng lãi vì lãi suất đó không vượt quá 10 lần lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, lãi suất đó đã vi phạm quy định khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005, nếu người vay khởi kiện , Tòa có thể sẽ tuyên hợp đồng cho vay đó vô hiệu và sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa đối với khoản vay đó là 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất