Đơn tố cáo xúc phạm danh dự nhân phẩm theo mẫu nào?
Trong trường hợp nếu bị xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự thì để ngăn chặn kịp thời hành vi đó, các cá nhân, cơ quan nên tự mình viết đơn tố cáo ra cơ quan công an để yêu cầu giải quyết.
Câu hỏi yêu cầu luật sư tư vấn:
Tôi xin hỏi luật sư sự việc của tôi: Tôi có vay chị Phạm Thị A số tiền là 5.000.000 đồng, tiền đó là tôi vay lãi, tôi vay 5 triệu nhưng chị A đưa cho tôi 4.700.000 đồng. Tôi hẹn chị 2 tháng trả nhưng tôi không trả được chị ấy có đi lên nhà tôi đòi. Nhưng do tình hình năm nay covid, từ tết đến giờ tôi chưa đi làm gì được do hoàn cảnh khó khăn một mẹ một con, cũng không ai làm gì ra tiền. Chị ấy xông vào nhà tôi chỉ tay thẳng vào mặt tôi là chị là đồ chó, đồ lừa đảo, làm um nhà cửa lên để cho mọi người biết là tôi nợ chị đấy. Chị A chỉ tay chỉ chân vào mặt tôi chửi rất mất dạy tôi kháng cự lại và hai người rằng co nhau, do móng tay sắc nên làm xước vùng cổ của nhau. Sau đó tôi nghĩ việc là xong xuôi. Vì chơi với nhau cũng lâu rồi tôi cũng không nói gì hết coi như đã xong nên tôi không hề trình báo công an. Nhưng không ngờ chị ấy lại đi báo công an là tôi đánh chị ấy và công an có xuống nhà tôi, đưa tôi lên đồn công an làm việc vì do chị A tố cáo. Vậy tôi xin hỏi luật sư vụ việc như này ngày tôi có nên làm đơn tố cáo hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của tôi không?
Trả lời:
Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của chị, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo như thông tin chị cung cấp: Chị có vay tiền của chị A số tiền là 5.000.000 đồng, tuy nhiên chị A chỉ đưa cho chị vay số tiền là 4.700.000 đồng. Chị có hẹn là sẽ trả cho chị A trong thời gian là sau 2 tháng. Do đó, chị có trách nhiệm phải trả tiền bao gồm tiền gốc, tiền lãi theo đúng thời hạn trả mà hai bên thỏa thuận cho chị A là bên cho vay, nếu chậm trả tiền thì chị phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau:
“1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.”
Khi đến hạn trả nợ mà chị không có khả năng chi trả thì chị có thể thỏa thuận với chị A về việc gia hạn thời hạn trả nợ và cam kết trả tiền lãi phát sinh trong thời gian chậm trả. Trong trường hợp chị A không đồng ý về việc gia hạn và yêu cầu chị phải trả theo đúng thời hạn mà hai bên đã thỏa thuận thì chị A có quyền khởi kiện đến Tòa án cấp huyện nơi chị cư trú để yêu cầu chị phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ bao gồm tiền gốc, tiền lãi và số tiền lãi phát sinh trong thời gian chị không trả.
Về lãi suất cho vay, nếu trong trường hợp chị A cho vay với lãi suất vượt quá lãi suất theo quy định pháp luật thì chị A chỉ có quyền đối với số tiền gốc và lãi phù hợp.
''1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…"
Về hành vi chị A trực tiếp đến nhà chị để đòi nợ và những lời nói xúc phạm, chửi mắng thậm tệ chị. Hành vi này của chị A đã xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của chị. Do đó ở đây chị nên làm đơn tố cáo chị Phạm Thị Hằng để bảo vệ được danh dự, uy tín của mình. Tùy thuộc vào từng mức độ của hành vi xúc phạm mà người có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác sẽ bị phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Về mẫu đơn tố cáo hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm bạn tham khảo mẫu đơn sau đây:
>> Mẫu đơn tố cáo hành vi vi phạm
Về hành vi đánh nhau giữa chị và chị Hằng: Hiện nay vụ việc đang do cơ quan công an giải quyết. Hành vi của mỗi bên có thể bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích nếu thuộc một trong các trường hợp nêu tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
...”
Trường hợp thương tích của chị và chị A chưa đến mức truy cứu TNHS thì các bên có thể bị xử phạt hành chính về hành vi “đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau” theo Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất