Cà Thị Phương

Tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thế nào

Kính chào luật sư; Em là S. Em xin hỏi luật sư cách thức để khởi tố 1 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau; _ vào khoảng đầu tháng 6, chị gái em có quen 1 người bạn và người này nhận là vợ của phó chi cục kiểm lâm tỉnh đaklak. Sau 1 thời gian nói chuyện với nhau, người này có mở lời là muốn lo cho chồng chị gái em có công việc ổn định nên sẽ lo cho chồng chị gái em suất vào lái xe tại cục kiểm lâm đaklak

Phí chạy việc sẽ là 35 triệu + phí chạy vào biên chế là 12tr + phí làm bằng và hồ sơ là 8tr. _ sau khi lấy được tiền mới mục đích là lo việc thì người này có mở lời là muốn chị gái em góp vốn làm ăn ( đầu tư mua gỗ bán lại lấy lời) thì có đưa thêm cho chị người đó 25tr. Và bán lại cho người đó xe AB của 2 vợ chồng với giá 17tr( chiếc xe này mua bán ko giấy tờ và chị gái em cũng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ) _ sau khi lấy được khoản tiền để chạy việc và mua gỗ kiếm lời thì người này muốn ngỏ ý muốn chạy việc thêm cho em gái em suất vào dạy học ở 1 trường tại thành phố BMT. Suất chạy vào đó là 140tr. Nhà em đã đưa cho người này 67tr. ( những số tiền này đều có ghi giấy tờ và ghi âm lại đầy đủ) _ vì nhiều lần thất hứa và khất hẹn từ lần này đến lần khác nên chị gái em và gia đình mới sinh ra nghi ngờ và đi điều tra ngầm, thì mới biết là người này lừa đảo, mượn danh người có chức có quyền để lừa tiền và chiếm đoạt tài sản. Tất cả những tin nhắn hay cuộc gọi nhắn tới máy đều chỉ là của 1 người. Gia đình em muốn khởi kiện để lấy lại tài sản, mong luật sư tư vấn giúp vì người này mới sinh con được 3 tuần. Nếu muốn khởi kiện thì thủ tục sẽ như thế nào ạ? Nếu đứa con của bà này còn nhỏ như vậy thì bà có phải chịu trách nhiệm hình sự ko ạ? Vì tổng giá trị tài sản bà chiếm đoạt lên tới 167 triệu đồng. Mong luật sư cho em và gia đình lời khuyên trong trường hợp này. Em xin chân thành cảm ơn.

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về thủ tục tố tụng hình sự:

 

Dựa vào những chi tiết bạn đề cập trong câu hỏi, tôi có thể xác định đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Do đó, bạn có thể gửi đơn tố cáo tội phạm tới Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng những bằng chứng có liên quan. Trách nhiệm còn lại của bạn là đợi các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự và trả lại tài sản cho bạn trong quá trình thi hành án.

 

Theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

 

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;...”

 

Như vậy, tổng giá trị tài sản người phạm tội chiếm đoạt là 167 triệu đồng, do đó hành vi phạm tội thuộc khoản 2 quy định nêu trên với mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù.

 

Thứ hai, người phạm tội có con nhỏ chưa đến 3 tuổi thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

 

Các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự căn cứ theo Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

 

“Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

 

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

 

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

 

b) Khi có quyết định đại xá.

 

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

 

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

 

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

 

c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

 

3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

 

Như vậy, có thể thấy trường hợp của người phạm tội không có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, do con bà chưa đủ 36 tháng tuổi cho nên bà có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Điều 61 như sau:

 

“Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù

 

1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

 

a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

 

b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

 

c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

 

d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.

 

2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.”

 

Trân trọng!

CV. Vũ Hà Phan - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo