Tinh giản biên chế được hưởng chế độ như thế nào?

Luật sư tư vấn về các chế độ được hưởng khi thuộc trường hợp tinh giản biên chế. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính chào a, c luật sư! Tôi làm Phòng Lao động-TBXH thuộc UBND thành phố, dạng HĐLĐ dài hạn đc 4,5 năm. vì tình hình chung tinh giảm biên chế cả nước, ngày 30/6 UBND TP ban hành văn bản số 3755 v/v chấm dứt các HĐLĐ từ 01/7/2017 và tôi đã thực hiện đúng tinh thần VB. Nhưng đến ngày 20/7, UBND TP ban hành vb 4151 vv cho ký lại HĐLĐ đến 12/2017 và tôi ko đồng ý làm lại. Xin cho hỏi trường hợp của tôi: 1/ Có được giải quyết hỗ trợ theo QĐ NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ ko? VÀ tôi đc hưởng ntn là đúng quy định trong trường hợp này? 2/ thời gian giải quyết bao nhiêungày từ khi chấm dứt HĐLĐ? vì tôi sợ họ áp tôi theo vb sau 4151 do tôi ko tiếp tục ký HĐ, nhưng giữa 2 vb ban hành cách nhau 30 ngày. Rất mong a, c luật sư trả lời gấp cho tôi. chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Tinh giản biên chế”  là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế.

 

Tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế có quy định cụ thể các trường hợp tinh giản biên chế. Theo như thông tin anh/chị cho biết, anh/chị làm việc tại Phòng Lao động-TBXH thành phố với hợp đồng không xác định thời hạn. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế cả nước theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, ngày 30/6/2017 Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành văn bản số 3755 về việc chấm dứt hợp đồng lao động từ 01/7/2017. Đến ngày 20/7, Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành văn bản 4151 về việc cho ký lại hợp đồng lao động đến 12/2017 và anh/chị không đồng ý ký lại. Như vậy, với trường hợp của anh/chị, nếu anh/chị không đồng ý ký lại hợp đồng lao động đến tháng 12/2017 thì sẽ giải quyết chế độ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, đây không được coi là trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

 

Trường hợp anh/chị thuộc đối tượng tinh giản biên chế và anh/chị chưa đủ tuổi để hưởng lương hưu thì chế độ áp dụng với người nghỉ hưu trước tuổi theo Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP:

 

1. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:

 

a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

 

b) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại Điểm b Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội;

 

c) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

 

2. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định tại Điểm a, c Khoản 1 Điều này và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội;

 

3. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

 

4. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

 

Trường hợp chị không đảm bảo điều kiện về độ tuổi và thời gian tham gia bảo hiểm theo quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP thì anh/chị có thể lựa chọn 2 phương án: "thôi việc ngay" hoặc "thôi việc sau khi học nghề" quy định tại  Điều 10 Nghị định này:

 

Điều 10. Chính sách thôi việc

 

1. Chính sách thôi việc ngay

 

Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này hoặc có tuổi đời dưới 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:

 

a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;

 

b) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

 

2. Chính sách thôi việc sau khi đi học nghề

 

Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:

 

a) Được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 06 tháng;

 

b) Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;

 

c) Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 03 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;

 

d) Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;

 

đ) Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm.

 

3. Các đối tượng thôi việc quy định tại Khoản 1, 2 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; không được hưởng chính sách thôi việc theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

 

Về thời hạn giải quyết chế độ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 108/2014/NĐ-CP như sau:

 

Điều 19. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình, đề án tinh giản biên chế hoặc tờ trình, danh sách đối tượng tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị trực thuộc, chịu trách nhiệm phê duyệt đề án tinh giản biên chế hoặc danh sách đối tượng tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị.

 

5. Chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính thẩm định danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị trực thuộc; tổng hợp danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của địa phương mình theo định kỳ 2 lần/năm (6 tháng/1 lần) gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.

 

6. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí thực hiện tinh giản biên chế từ Bộ Tài chính, tổ chức thực hiện việc chi trả các chế độ chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế của địa phương mình. Kết thúc đợt chi trả phải tổng hợp quyết toán kinh phí với Bộ Tài chính.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

 CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169