Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tìm hiểu một số thuật ngữ, khái niệm tố tụng hình sự

Một số thuật ngữ, khái niệm tố tụng hình sự theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể như sau:

1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người tiến hành tố tụng, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

3. Nguồn tin về tội phạm là tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân và lời khai của người phạm tội tự thú.

4. Người bị buộc tội là người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

5. Người đại diện bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.

6. Người đại diện theo pháp luật của người bị buộc tội, bị hại, đương sự là cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định trong trường hợp người bị buộc tội, bị hại, đương sự là người chưa thành niên hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trường hợp bị hại, đương sự là cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật là người đứng đầu cơ quan, tổ chức theo quy định tại điều lệ của cơ quan, tổ chức đó hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ sau đây với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng:

a) Là vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi;

b) Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột;

c) Là cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.

8. Đương sự trong vụ án hình sự bao gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

9. Biện pháp ngăn chặn là các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú.

10. Biện pháp cưỡng chế là biện pháp áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.

11. Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

12. Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

13. Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, có đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

14. Áp giải là việc cơ quan có thẩm quyền buộc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử.

15. Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền buộc người làm chứng vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan hoặc người bị hại từ chối giám định hoặc người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định họ liên quan đến hành vi phạm tội đã được khởi tố vụ án đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

16. Danh chỉ bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lai lịch, nhận dạng, ảnh chụp, dấu vân tay của bị can do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.

17. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

18. Cơ quan điều tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sau đây gọi tắt là Cơ quan điều tra cấp huyện.

19. Cơ quan điều tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau đây gọi tắt là Cơ quan điều tra cấp tỉnh.

20. Cơ quan điều tra quân sự quân khu và tương đương sau đây gọi tắt là Cơ quan điều tra cấp quân khu.

21. Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương sau đây gọi tắt là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

22. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau đây gọi tắt là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

23. Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương sau đây gọi tắt là Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.

24. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương sau đây gọi tắt là Tòa án nhân dân cấp huyện.

25. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau đây gọi tắt là Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

26. Tòa án quân sự quân khu và tương đương sau đây gọi tắt là Tòa án quân sự cấp quân khu.

Trân trọng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169