Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tiền án là gì? Tiền sự là gì? Phân biệt tiền án tiền sự

Tiền án và tiền sự, đây là hai từ được sử dụng rất nhiều trong đời sống xã hội khi người nói muốn nhắc đến một chủ thể đã từng thực hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật và bị xử lý, song điều đặc biệt là không có văn bản pháp luật đang có hiệu lực nào chứa đựng hai thuật ngữ nêu trên. Để có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này, Luật Minh Gia gửi tới quý khách sự đánh giá, phân tích cơ bản của Luật Minh Gia về “tiền án, “tiền sự”.

1. Khái niệm về tiền án, tiền sự

Trước tiên chúng ta cần xác định, hiện nay pháp luật không quy định khái niệm về tiền án, tiền sự mà tiền án, tiền sự là cách gọi thông thường của người dân khi nhắc tới việc một chủ thể đã bị xử lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền do vi phạm quy định pháp luật.

Từ quá trình nghiên cứu pháp luật và dựa trên những đặc trưng của tiền án, tiền sự, Luật Minh Gia đưa ra nhận định về tiền án, tiền sự như sau:

- Tiền án

Tiền án là một thuật ngữ chỉ trạng thái nhân thân của một người thực hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật và đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chưa được xóa án tích.

- Tiền sự

Tiền sự là một thuật ngữ chỉ trạng thái nhân thân của một người thực hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà bị xử lý bằng hình thức khác như xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

>> Tư vấn quy định về tiền án, tiền sự

2. Phân biệt tiền án, tiền sự

2.1 Tiền án

Hình phạt

Truy cứu trách nhiệm hình sự theo Quyết định của Toàn án.

Trường hợp được xóa tiền án

- Trường hợp được coi là không có tiền án (không có án tích):

+ Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt;

+ Điều 107 Bộ Luật hình sự 2015

- Trường hợp đương nhiên xóa án tích:

+ Không phải tội phạm quy định tại Chương XIII và XXVI BLHS 2015

+ Đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 70 BLHS 2015

- Trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa tại Điều 71 BLHS 2015.

- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt: người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của BLHS 2015.

Ý nghĩa của việc xóa tiền án

- Không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi phạm tội mới;

- Không bị áp dụng tiền án vào tình tiết định tội, định khung, lượng hình đối với một số tội phạm theo quy định BLHS 2015

2.2 Tiền sự

Hình phạt về tiền sự

Xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định của người có thẩm quyền hoặc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng với hành vi vi phạm.

Trường hợp được xóa tiền sự

- Đối với trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính:

+ 6 tháng kể từ khi chấp hành xong hình thức xử phạt cảnh cáo mà không tái phạm;

+ 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm.

- Đối với trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính: 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm.

Ý nghĩa của việc xóa tiền sự

Được coi là chưa bị xử phạt hành chính nên không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trong lần vi phạm tiếp theo.

3. Những vấn đề cần lưu ý đối với người có tiền án, tiền sự

Một người đang có tiền án, tiền sự thì phải tuyệt đối chấp hành quy định pháp luật vì nếu vi phạm trong thời gian vẫn có tiền án tiền sự thì hình thức xử phạt cho hành vi vi phạm tiếp theo sẽ thường cao hơn so với vi phạm lần đầu. Đặc biệt, trong một số tội phạm thì việc có tiền án, tiền sự được xem như là một tình tiết định tội hoặc một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Ví dụ điển hình đó là "Tội Đánh bạc” được quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015, nếu đối với người không có tiền án, không có tiền sự thì số tiền đánh bạc phải trên 5 triệu đồng mới bị truy cứ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp một người đánh bạc với số tiền dưới 5 triệu đồng nhưng đang trong thời gian có tiền án hoặc có tiền sự về đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, việc có tiền án, tiền sự còn là căn cứ để xác định một người có được hưởng án treo hay không? Theo đó, người phạm tội có thể xem xét được hưởng án treo nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Nghị quyết 02/2018 NQ-HĐTP trong đó điều kiện về nhân thân tốt đặc biệt quan trọng. Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 02/2018 NQ-HĐTP quy định là có nhân thân tốt nếu đã được xóa tiền án hoặc xóa tiền sự ít nhất được 6 tháng và đáp ứng đủ các điều kiện khác thì có thể xem xét được hưởng án treo.

Ngoài ra, tiền án, tiền sự còn tác động đến khả năng tìm kiếm việc làm của người lao động vì nhiều trường hợp các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tuyển dụng người lao động vào làm việc với điều kiện người lao động không có tiền án, tiền sự nên khi người lao động có tiền án, tiền sự sẽ không được tuyển dụng, ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm việc làm.  

Trên đây là một vài điểm cần lưu ý đối với người có tiền án, tiền sự mà quý khách cần lưu ý. Để tránh những rủi ro pháp lý thì điều quan trọng nhất là phải chấp hành đúng quy định pháp luật trong quá trình sinh sống, học tập, làm việc và lao động. 

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo