Công KT

Đăng ký tiêm chủng, tiêm Vắc xin cần thủ tục gì?

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm .Vậy thủ tục để tham gia tiêm vaccine này là gì? Hiện nay có những loại vaccine nào? Nếu bạn có quan tâm đến vấn đề này, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của công ty Luật Minh Gia để hiểu rõ hơn, nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cho gia đình.

1. COVID-19 là gì?

COVID-19 do một loại coronavirus có tên là SARS-CoV-2 gây ra. Bạn có thể nhiễm COVID-19 thông qua việc tiếp xúc với một người khác có mang virus này. Đây chủ yếu là bệnh đường hô hấp có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Những người nhiễm COVID-19 đã có một loạt các triệu chứng được báo cáo, từ các triệu chứng nhẹ đến bệnh nặng. Các triệu chứng có thể xuất hiện trong khoảng thời gian từ 2 đến 14 ngày sau khi phơi nhiễm với virus. Các triệu chứng có thể bao gồm: sốt hoặc ớn lạnh; ho; khó thở; mệt mỏi; đau nhức cơ hoặc toàn thân; đau đầu; mất vị giác hoặc khứu giác mới xuất hiện; đau họng; nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi; buồn nôn hoặc nôn mửa; tiêu chảy. Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Cũng giống như các loại vắc xin giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác. Vắc xin COVID-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại vi rút gây bệnh

Ngoài tác dụng giảm số người nhiễm vi rút SARS-CoV-2, các loại vắc xin phòng COVID-19 sẽ giúp làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong. Vì vậy, tiêm vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp hữu hiệu giúp cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường.

2. Thủ tục để tham gia tiêm chủng vacxin COVID- 19

Bước 1. Khai báo y tế, đo thân nhiệt

- Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi đón tiếp

- Hướng dẫn, kiểm tra đối tượng tiêm chủng và người nhà đi cùng thực hiện khai báo y tế điện tử

- Phát khẩu trang, thực hiện đo thân nhiệt cho người tham gia tiêm chủng.

Bước 2. Hoàn thiện phiếu đồng ý tham gia tiêu chủng

Người tham gia tiêu chủng đọc phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo mẫu để được tiêm chủng, điền thông tin và ký nếu đồng ý tiêm chủng.

Bước 3. Hoàn thiện sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm

- Sàng lọc, tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, lợi ích của vắc xin

- Tìm hiểu những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng

- Thông báo cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, liều lượng, đường dùng của loại vắc xin được tiêm chủng

- Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Bước 4. Thực hiện tiêm chủng

Thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn theo quy định tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế. Sau đó, theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Cụ thể tại khoản 6, khoản 7 Điều 11, Điều 12 của Thông tư nêu trên quy định như sau:

"Điều 11. Thực hiện tiêm chủng

….

6. Thực hiện tiêm chủng:

a) Kiểm tra vắc xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng;

b) Cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng;

c) Thực hiện tiêm đúng đối tượng chỉ định tiêm chủng, đúng vắc xin, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời điểm;

d) Bơm tiêm, kim tiêm và vật sắc, nhọn sau khi sử dụng phải cho vào hộp an toàn ngay sau khi tiêm, không đậy nắp kim.

7. Kết thúc buổi tiêm chủng:

a) Bảo quản vắc xin, dung môi còn nguyên lọ theo quy định tại Điều 4 Thông tư này;

b) Bơm kim tiêm chưa sử dụng phải được bảo quản theo quy định để dùng lần sau;

c) Các lọ vắc xin nhiều liều đã mở nhưng chưa sử dụng hết và các lọ đã sử dụng hết sau buổi tiêm chủng thì xử lý theo quy định tại Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Liên Bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế;

d) Đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng phải sắp xếp tiêm bù ngay trong tháng.

Điều 12. Theo dõi sau tiêm chủng

1. Theo dõi đối tượng tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng.

2. Hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng:

a) Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường;

b) Đưa ngay đối tượng tiêm chủng tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥39°C), co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.

3. Ghi chép:

a) Ghi đầy đủ thông tin vào phiếu hoặc sổ tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng và trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và hẹn lần tiêm chủng sau;

b) Ghi ngày tiêm chủng đối với từng loại vắc xin đã tiêm chủng cho đối tượng tiêm chủng và ghi chép các phản ứng sau tiêm chủng trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia."

Như vây, tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cũng cần thông báo đầy đủ cho y bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân bao gồm tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào, đặc biệt là dị ứng với liều tiêm vắc-xin COVID trước đó. Trong buổi tiêm, cần tuân thủ các quy định của buổi tiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút.. Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất 2 ngày. Những điểm cần lưu ý bao gồm các dấu hiệu tại chỗ như sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm (chú ý tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm). Nếu có sốt, theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời, lưu giữ cẩn thận phiếu xác nhận tiêm chủng và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo.

3. Các loại vacxin phòng COVID- 19

Hiện nay, Việt Nam đang được cung ứng 4 loại vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm. Với mỗi loại vaccine, Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng quốc gia đã có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về yêu cầu bảo quản, vận chuyển và thực hành tiêm chủng từng loại vaccine.

Các loại vaccine COVID-19 hiện nay (cập nhật đến 15/07/2021) đang được sản xuất theo 3 cơ chế là mRNA, protein và vector. Trong đó, một số loại vaccine được sử dụng nhiều như AstraZeneca có bản chất là vaccine vector, Pfizer và Moderna có bản chất là vaccine mRNA,...

- Vaccine mRNA: Phân tử RNA sẽ được đưa vào cơ thể nhờ vaccine, sau đó mRNA tổng hợp của vaccine hoạt động như một mRNA tự nhiên và tiến hành tổng hợp protein mới. Sau đó, protein mới này kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại protein của virus. 

- Vaccine protein: Loại vaccine này chứa các mảnh protein tinh khiết của virus Sars-Cov-2. Hệ miễn dịch sẽ cho rằng protein được tiêm vào cơ thể theo đường vaccine là “kẻ xâm nhập” và tạo ra kháng thể. Bên cạnh đó, vaccine được tiêm vào sẽ giúp tế bào ghi nhớ, từ đó nhận diện được các tác nhân gây bệnh và tiến hành tiêu diệt chúng khi bị tấn công về sau.

- Vaccine vector: Sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền (các protein gai trên bề mặt của virus Sars-Cov-2) cho kháng nguyên. Khi vaccine được tiêm vào, cơ thể sẽ tạo ra một lượng lớn kháng nguyên đủ để kích hoạt phản ứng miễn dịch. 

Tiêm vắc xin COVID-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt bạn hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin và theo dõi sức khoẻ. Đồng thời sau khi tiêm chủng vắc xin vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (thông điệp 5K) để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch COVID-19.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo