Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thuyên chuyển công tác khác so với hợp đồng lao động có vi phạm không?

Trong quá trình làm việc, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà công ty, tổ chức - người sử dụng lao động tiến hành sắp xếp lại bộ máy nhân sự. Do đó, nhiều người lao động sẽ có sự thay đổi vị trí làm việc để phù hợp với nhu cầu của công ty, tổ chức.

1. Thuyên chuyển công tác khác so với hợp đồng lao động có vi phạm không?

Câu hỏi tư vấn: Kính gửi công ty luật Minh Gia cho tôi hỏi trường hợp người lao động bị thuyên chuyển công tác không có lý do thì xử lý như thế nào? Tôi hiện đang làm việc bình thường tại công ty cổ phần tập đoàn trên 15 năm. Một công ty thương mại kinh doanh rất nhiều các mặt hàng , tại rất nhiều tỉnh thành trong cả nước . Đầu tháng 8 , kế toán trưởng có gọi tôi vào và nói tôi làm đơn xin nghỉ với lý do cắt giảm nhân sự do không có công việc nào để bố trí cho tôi .

Giữa tháng 8, phòng nhân sự và kế toán trưởng lại gọi tôi và nói tôi sẽ nghỉ vào cuối tháng. Tôi nói không làm đơn xin nghỉ vì tôi không vi phạm bất cứ điều gì thì nhân sự nói sẽ làm 1 biên bản thỏa thuận để đền bù cho tôi .Đầu tháng 9, phòng nhân sự gửi mail cho tôi nói sẽ điều chuyển tôi xuống làm vị trí thấp hơn.

Thưa công ty luật Minh Gia, tôi muốn hỏi trong trường hợp như hiện tại công ty có quyền điều chuyển không? Và nếu tôi không nhận điều chuyển thì công ty sẽ xử lý trường hợp cuả tôi như thế nào? Rất mong Công ty quan tâm và tư vấn giúp tôi . Tôi xin chân thành cảm ơn.

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia. Đối với vấn đề mà bạn đang băn khoăn, Luật Minh Gia tư vấn như sau: 

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty có dự định điều chuyển bạn sang làm công việc khác so với thỏa thuận tại Hợp đồng lao động (HĐLĐ). Về vấn đề này, Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: 

“1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.

Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

[...]

3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.”

Theo quy định nêu trên, nếu việc chuyển công tác của bạn là cần thiết vì công ty thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự, công việc của bạn không còn nữa thì công ty có quyền chuyển bạn sang làm công việc khác so với HĐLĐ nhưng không được quá 60 ngày (cộng dồn trong 01 năm). Nếu thời hạn quá 60 ngày thì bắt buộc phải có sự đồng ý của bạn. Đồng thời, phải đảm bảo tiền lương theo công việc mới ít nhất bằng 85% tiền lương của công việc cũ, trong tháng đầu tiền làm công việc mới thì được giữ nguyên lương (nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn). 

Trường hợp bạn không đồng ý hoặc hai bên không thể thỏa thuận được về việc thay đổi vị trí công việc thì bạn có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ (bằng việc nộp đơn xin nghỉ việc trước thời hạn theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 để thông báo về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ) hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với công ty. 

Đối với trường hợp này, bạn có thể được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, tùy thuộc vào thời gian làm việc của anh tại công ty và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

Ngoài ra, nếu công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật đối với bạn thì công ty có trách nhiệm bồi thường và chi trả những khoản tiền khác theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019. Trong trường hợp công ty không thực hiện, bạn có quyền khiếu nại lần 1 đến Ban Giám đốc công ty và nại lần 2 đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính khi khiếu nại lần 1 không được Ban Giám đốc công ty tiếp nhận giải quyết. 

2. Xếp lương khi viên chức thay đổi nơi làm việc thế nào?

Câu hỏi tư vấn: Em chào anh/chị. Anh chị cho em hỏi về việc chuyển tiếp hệ số lương với ạ. Em công tác  tại 1 trường công lập từ 2010, hệ số lương khởi điểm của em là bậc 1: 2,1. Em công tác đến 6/3/2021 thì nghỉ việc, hệ số lương lúc em nghỉ là 3,03 (bậc 4). Hợp đồng lao động của em là hợp đồng vô thời hạn, có đóng bảo hiểm đầy đủ. Đến ngày 1/9/2023 em vào làm ở 1 trường công lập khác và bắt đầu đóng lại bảo hiểm từ tháng 9/2023. Anh/chi cho em hỏi là khi qua làm ở đơn vị mới, em có được tiếp tục hệ số 3,03 không ạ? hay phải bắt đầu lại từ 2,34 (em có bằng đại học ạ) Em xin chân thành cảm anh/ chị nhiều ạ

Nội dung tư vấn:  Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia. Đối với vấn đề của bạn, Luật Minh Gia tư vấn như sau: 

Theo thông tin chị cung cấp, trước đây chị có thời gian công tác tại một trường công lập. Sau khi nghỉ việc, chị vào làm tại một trường công lập khác. Thời điểm nghỉ việc tại đơn vị cũ, hệ số lương mà chị đang được hưởng là bậc 4 (3,03) và chị đang băn khoăn về việc tính bậc lương. 

Về vấn đề tính tương khi tiếp nhận, tuyển dụng viên chức, tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định như sau: 

“5. Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức (nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.”

Theo đó, chị khi chị được đơn vị bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian tham gia BHXH bắt buộc trước đó (tại đơn vị cũ) sẽ được tính làm căn cứ xếp lương tại đơn vị mới. 

Giả sử, thời gian chị đóng BHXH bắt buộc ở đơn vị cũ là 11 năm mà vị trí công việc chị đang đảm nhiệm hiện nay có thời gian xem xét tăng lương thường xuyên là 3 năm/ lần. Đáng lẽ, khi tiếp nhận vị trí công việc mới, chị sẽ được xếp lương bắt đầu từ bậc 1. Tuy nhiên, nếu được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì chị sẽ được tính lương bắt đầu từ bậc 4 (xét trên thời gian 11 năm thì tăng lương 3 lần). 

Ngược lại, nếu chị không được đơn vị bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm tại đơn vị cũ thì sẽ không được nối lương mà sẽ bắt đầu tính lương từ bậc 1 theo quy định. 

Tuy nhiên, do chưa có thông tin cụ thể về vị trí làm việc mà trước đây và hiện tại chị đảm nhiệm nên Luật Minh Gia chưa thể xác định chị có được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm hay không cũng như chưa thể đưa ra nhận định chính xác về bậc lương mà chị được hưởng. Vì vậy, chị có thể tham khảo nội dung tư vấn nêu trên và các quy định pháp luật liên quan về vị trí việc làm chị đảm nhiệm tại đơn vị cũ và đơn vị mới để giải quyết vấn đề của mình.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169