Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Thương binh bị tâm thần thì có được hưởng thêm trợ cấp hàng tháng nữa hay không?

Luật sư tư vấn về vấn đề thương binh bị bệnh tâm thần và các trường hợp được hưởng trợ cấp. cụ thể như sau:

Thưa Luật sư, Tôi có bố là thương binh mất 21% sức khoe. Bố tôi sinh năm 1961, 10 năm nay bị tâm thần nặng, chửi bới lung tung, đòi hỏi quan hệ tình dục với mẹ tôi một cách tàn nhẫn. Năm ngoái, bằng mọi cách dỗ dành mới lừa uông thuốc thì giảm đi, nhưng do bố tôi nhất quyết cự tuyệt không uống thuốc nên hiện giờ tình trạng ngày càng trầm trọng. Mẹ tôi không chịu đựng  được nên đã bỏ nhà đi. Nay được biết đến luật sư thông qua internet, rất mong có sự tư vấn , hỗ trợ từ luật sư. Câu hỏi của tôi như sau: 1. Nếu dùng biện pháp cưỡng chế cho bố tôi vào bệnh viện tâm thần thì có cần phải có người nhà đi theo đẻ chăm sóc không? 2. Những điều cần biết về bệnh viện tâm thần ? 3. Nếu bố tôi được bệnh việc xác nhận là tâm thần thì có được thêm bất cứ khoản trợ cấp nào từ nhà nước không? Tôi xin chân thành cảm ơn!    

 

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định nào về việc đưa người vào bệnh viện tâm thần nhưng có quy trình chung về việc nhận bệnh. Theo quy chế, bệnh nhân đến bệnh viện qua phòng khám hoặc cấp cứu. Để một bệnh nhân nhập viện thì phải có chẩn đoán và chỉ định nhập viện của bác sĩ để xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu tìm bệnh… Như vậy, nếu bạn muốn cưỡng chế đưa bố bạn vào bệnh viện tâm thần thì bạn cần đưa bố của mình đi khám tại bệnh viện tâm thần. Sau khi có kết quả thì có thể làm yêu cầu nhập viện để điều trị. Còn đối với vấn đề có cần người đi theo chăm sóc hay không thì tùy theo quy định của từng bệnh viện cũng như đặc thù của từng loại bệnh mà bác sĩ sẽ có yêu cầu riêng.

 

Thứ hai, vấn đề bạn hỏi về những điều cần biết về bệnh viện tâm thần thì đây không phải lĩnh vực chuyên môn của chúng tôi cũng như không nằm trong lĩnh vực pháp luật mà nên chúng tôi không thể trả lời cho bạn. Bạn có thể tìm hiểu qua những kênh thông tin khác.

 

Thứ ba, vấn đề bạn hỏi bố bạn có được thêm trợ cấp do bị tâm thần hay không  thì cần chia làm hai trường hợp:

 

Trường hợp thứ nhất, bố bạn bị tâm thần do vết thương cũ tái phát thì căn cứ Khoản 4 Điều 30 Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định về trường hợp giám định lại thương tật của thương binh và không được giám định lại thương tật như sau:

 

“4. Thương binh đã giám định có vết thương sau đây tái phát thì được giám định lại:

 

a) Vết thương sọ não bị khuyết xương sọ hoặc còn mảnh kim khí trong sọ gây biến chứng dẫn đến rối loạn tâm thần hoặc liệt;

 

...

 

5. Không giám định lại những trường hợp sau:

 

a) Thương binh đã được giám định do vết thương cũ tái phát;

 

b) Thương binh loại B”

 

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Pháp lệnh Ưu đãi với người có công với Cách mạng quy định về khái niệm thương binh loại B thì:

 

“Thương binh loại B là quân nhân, công an nhân dân bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên trong khi tập luyện, công tác đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993.”

 

Như vậy, trong trường hợp bố bạn là thương binh loại B thì bố bạn sẽ không được giám định lại thương tật còn trong trường hợp bố không thuộc diện là thương binh loại B thì gia đình bạn cần làm hồ sơ để giám định thương tật. Theo đó, căn cứ vào Điều 19 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định về hồ sơ giám định lại thương tật do vết thương cũ tái phát thì hồ sơ bao gồm:

 

“1. Đơn đề nghị giám định lại thương tật.

 

2. Bản sao bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện cấp huyện trở lên, trường hợp phẫu thuật phải có phiếu phẫu thuật của bệnh viện cấp huyện trở lên.

 

3. Biên bản giám định lại thương tật của Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền.

 

4. Quyết định điều chỉnh chế độ ưu đãi của cơ quan có thẩm quyền.”

 

Gia đình bạn sẽ làm đơn đề nghị giám định lại thương tật gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kèm bản sao bệnh án điều trị vết thương tái phát. Trường hợp phải phẫu thuật thì kèm phiếu phẫu thuật. Khi có biên bản giám định lại thương tật, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận sẽ có trách nhiệm ra quyết định điều chỉnh chế độ ưu đãi.

 

Trường hợp thứ hai, bố bạn bị tâm thần không phải do vết thương cũ tái phát. Trường hợp bố bạn bị bệnh tâm thần không phải do vết thương cũ tái phát thì nếu bố bạn được xác định ở mức độ khuyết tất nặng hoặc đặc biệt nặng thì căn cứ vào Điều 44 Luật người khuyết tật năm 2010 quy định về trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng như sau:

 

“1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

 

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;

 

b) Người khuyết tật nặng.

 

2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:

 

a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;

 

b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;

 

c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

 

3. Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.

 

4. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.”

 

Bạn có thể tham khảo thêm Nghị định 136/2013/NĐ-CPNghị định 28/2012/NĐ-CP quy định về mức trợ cấp và hệ số trợ cấp:

 

+ Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội (sau đây gọi chung là mức chuẩn trợ giúp xã hội) là 270.000 đồng

 

+ Hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại hộ gia đình được quy định như sau: Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng hệ số một phẩy năm (1,5)

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Thị Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh