Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Xin hoãn chấp hành án phạt tù để chữa bệnh cần thủ tục gì?

Quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù được pháp luật đặt ra để áp dụng cho những trường hợp mà người bị tuyên án phạt tù chưa thể chấp hành án phạt tù trong thời hạn quy định. Việc hoãn chấp hành hình phạt tù chỉ được thực hiện khi thuộc một trong những trường hợp quy định và phải có đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù.

Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư. Chồng tôi hiện nay đang chấp hành hình phạt tù về tội vi phạm luật giao thông đường bộ, mức án là 4 tháng tù. Chồng tôi năm nay 62 tuổi, mắc bệnh hở van tim, suy tim cấp 2, tăng huyết áp giai đoạn 3, đái tháo đường Type II. Chúng tôi muốn làm đơn xin được giảm án, nhưng được biết là án tù 4 tháng quá ngắn nên không được giải quyết. Vì vậy chúng tôi quyết định làm đơn xin bảo lĩnh ra ngoài trị bệnh tại ngoại. Nhưng tôi không biết là thời gian trị bệnh tại ngoại như vậy có được khấu trừ hay không? Có được tính vào thời gian chấp hành án hay không? Hay là sau khi điều trị rồi phải vào trại giam tiếp tục chấp hành đầy đủ 4 tháng. Tôi xin cám ơn quý luật sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin chị cung cấp, chồng chị hiện đang chấp hành hình phạt tù về tội vi phạm luật giao thông đường bộ với mức án là 4 tháng tù. Và hiện tại chồng chị 62 tuổi, mắc bệnh hở van tim, suy tim cấp 2, tăng huyết áp giai đoạn 3, đái tháo đường type II. Với mong muốn của gia đình là làm đơn xin tạm hoãn chấp hành hình phạt tù để điều trị bệnh, chị có thắc mắc là trong thời gian điều trị bệnh có được khấu trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù hay không, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 67 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù như sau:

“1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.

2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.”

Theo điểm d khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về người bị bệnh nặng như sau:“d) Đối với người bị kết án phạt tù bị bệnh nặng tới mức không thể chấp hành án phạt tù và nếu phải chấp hành án phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên hoặc có kết luận của tổ chức pháp y công lập về tình trạng bệnh tật của người bị kết án phạt tù. Người bị bệnh nặng là người mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư giai đoạn cuối, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên hoặc mắc bệnh khác dẫn đến không có khả năng tự phục vụ bản thân, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao;”

Như vậy, trường hợp của chồng của chị nếu thuộc trường hợp bị bệnh nặng nêu trên có thể làm đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

Thời gian tạm hoãn sẽ không được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù bởi theo khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 chỉ có thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo