Thủ tục, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ?
Tuy nhiên, sắp tới người phụ trách tiền lương tại công ty cũ chuyển công tác nên tôi không thể nhờ đóng giúp bảo hiểm. Tôi muốn tự mình đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng các chế độ nhưng không biết thủ tục và cách thức đóng bảo hiểm nhờ Công ty Luật Minh Gia tư vẫn giúp:
- Cách thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Thủ tục cần thiết để tự đóng bảo hiểm
- Khi đóng bảo hiểm tự nguyện thì tôi có được hưởng các quyền lợi như thai sản, ốm đau... hay không? Trân trọng cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Tại Điều 2 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện.”.
Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể như sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;
b) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
c) Người lao động giúp việc gia đình;
d) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
đ) Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
e) Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
g) Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
h) Người tham gia khác.
Các đối tượng quy định trên sau đây gọi chung là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Như vậy, theo quy định trên thì bạn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 97 của Luật bảo hiểm xã hội 2014:
” Điều 97. Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội
1. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:
b) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.”
Điều luật trên được hướng dẫn cụ thể tại Điều 24 Quyết định 595/QĐ- BHXH như sau:
“Điều 24. Đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH
1. Thành phần hồ sơ:
1.1. Người tham gia: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
1.2. Đại lý thu/Cơ quan BHXH (đối với trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ”.
Như vậy, để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bạn cần điền tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH theo mẫu TK1-TS và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú.
Về các chế độ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Theo Điều 4 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng 2 chế độ đó là: hưu trí và tử tuất, không được hưởng chế độ: ốm đau, thai sản.
Ngoài ra, bạn tham khảo nội dung tư vấn áp dụng Văn bản pháp luật tại thời điểm gửi câu hỏi như sau:
- Thủ tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:
+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (mẫu số 01-TN)
+ Bản sao giấy khai sinh
* Trong trường hợp đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội trước đó thì thủ tục phải kèm theo:
+ Sổ BHXH;
+ Bản quá trình đóng BHXH (do cơ quan BHXH nơi đi cấp);
+ Đã tham gia BHXH bắt buộc: nếu không có bản quá trình đóng BHXH thì nộp kèm bản photo sổ BHXH;
+ CMND để đối chiếu với sổ BHXH.
Như vậy, do bạn trước đó đã tham gia đóng bảo hiểm nên hồ sơ thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của bạn sẽ bao gồm:
+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (mẫu số 01-TN);
+ Bản sao giấy khai sinh;
+ Sổ BHXH;
+ Bản quá trình đóng BHXH (do cơ quan BHXH nơi đi cấp);
+ Đã tham gia BHXH bắt buộc: nếu không có bản quá trình đóng BHXH thì nộp kèm bản photo sổ BHXH;
+ CMND để đối chiếu với sổ BHXH.
Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người tham gia BHXH tự nguyện, tổ chức BHXH có trách nhiệm cấp Sổ BHXH; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Theo quy định của Khoản 2 Điều 4 Luật bảo hiểm xã hội 2006
Điều 4. Các chế độ bảo hiểm xã hội
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
Theo đó, khi tham gia bảo hiểm tự nguyện thì bạn sẽ được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Đối với chế độ thai sản, ốm đau chỉ áp dụng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên bạn sẽ không được hưởng hai chế độ này. Cụ thể:
Điều 71. Mức lương hưu hằng tháng
1. Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 76 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện như quy định tại Điều 53 của Luật này
Điều 72. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
1. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên ba mươi năm đối với nam, trên hai mươi lăm năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất