Luật sư Phùng Gái

Thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội và mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần?

Câu hỏi tư vấn: Từ tháng 01/07/2012, tôi có công tác tại công ty quản lý đường sắt Hà Lạng (doanh nghiệp nhà nước sau cải cách sang cổ phần hóa). Tôi có tham gia bảo hiểm theo các mức:Từ 01/07/2012- 04/14 hưởng lương bậc 1 là 1,67; từ 05/2014 tới nay 07/2016 tôi hưởng mức lương bậc 2 là 1,96.

 

Đồng thời, trong thời gian công tác tại công ty QLDS Hà lạng, từ tháng 10/2014 tôi có đi làm thêm 1 doanh nghiệp khác và cũng tham gia BHXH với số sổ bảo hiểm mới song song với sổ bảo hiểm cũ.

 

Vậy cho  hỏi tôi có được nối 2 sổ bảo hiểm này không và thủ tục như thế nào? Nếu không nối được thì tôi có được thanh toán bảo hiểm 1 lần và tôi được hưởng bao nhiêu tháng lương cơ bản, thời gian bao lâu thì tôi được thanh toán. Rất mong được sự tư vấn của quý văn phòng. Trân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện tại bạn đang tồn tại hai sổ bảo hiểm ở hai công ty khác nhau. Do đó, để đảm bảo các quyền lợi của mình liên quan tới chế độ bảo hiểm xã hội sau này thì bắt buộc bạn phải thực hiện thủ tục gộp sổ bảo hiểm. Tuy nhiên, do có thời gian đóng trùng bảo hiểm ở hai công ty từ tháng 10/2014 đến hiện nay nên sẽ phải tiến hành giảm trùng thời gian đó trước khi thực hiện gộp sổ (không cộng nối sổ được). Như vậy, để giải quyết vấn đề trên thì bạn sẽ nộp sổ bảo hiểm xã hội bị trùng cho đơn vị đang làm hoặc đơn vị tham gia BHXH sau cùng của mình để họ thực hiện hoàn tất hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xử lý theo Công văn 3663/BHXH-THU về hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến gộp sổ bảo hiểm xã hội của người lao động có nhiều sổ. Cụ thể:

 

1. Người lao động nộp sổ BHXH cấp trùng cho đơn vị đang làm việc hoặc đơn vị tham gia BHXH sau cùng đã chốt sổ, để lập hồ sơ và chuyển cho cơ quan BHXH gộp sổ. Trường hợp đơn vị tham gia BHXH cuối cùng giải thể, hoặc NLĐ đã chốt sổ nghỉ việc và hiện tại không tham gia BHXH, thì NLĐ nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH, nơi đơn vị cuối cùng đăng ký tham gia BHXH để gộp sổ.

 

6. NLĐ có quá trình tham gia BHXH trùng nhau thì phải giảm quá trình trùng tương ứng, kể cả sổ có thời gian chưa hưởng chế độ mà trùng với sổ có thời gian đã hưởng trợ cấp 1 lần, trợ cấp thất nghiệp cũng phải giảm trùng đến tháng liền kề của sổ đã hưởng trước đó, khi giảm trùng thì phải thu hồi số tiền trợ cấp BHXH đã hưởng (nếu có).

 

7. Khi gộp sổ BHXH có quá trình tham gia BHXH trùng nhau và đã hưởng trợ cấp BHTN, nếu quá trình đóng BHXH trùng, dùng để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp (3 tháng, 6 tháng hoặc 9 tháng ...) thì yêu cầu NLĐ phải nộp trả lại số tiền BHTN đã hưởng trước khi giảm trùng.

 

- Thứ hai, điều kiện và mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần. 

 

Với trường hợp của bạn thì vẫn được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, phải đáp ứng điều kiện là sau một năm kể từ thời có quyết định nghỉ việc, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và hoàn tất việc giảm trùng, gộp và chốt sổ bảo hiểm từ hai công ty trên. Thời điểm bạn nhận được tiền chế độ của mình là sau thời hạn tối đa 20 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ (việc không được cộng nối bảo hiểm không phải là điều kiện để xét bạn có được hưởng bảo hiểm một lần). Cụ thể:

 

Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

 

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

...

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

 

Điều 110. Giải quyết hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần

....

3. Trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động đủ điều kiện và có yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần nộp hồ sơ quy định tại Điều 109 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

 

4. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người hưởng lương hưu hoặc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợphưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

 

Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

...

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

 

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

 

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

 

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

 

Như vậy, mức hưởng bảo hiểm trước năm 2014 sẽ được tri trả 1,5 tháng lương cho mỗi năm làm việc, từ năm 2014 trở đi mỗi năm làm việc được tri trả 2 tháng lương cho mỗi năm làm việc.  Theo đó, tổng số tháng mà bạn được tri trả cho toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm là 5,5 tháng tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội và mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo