Thủ tục giám định suy giảm khả năng lao động
Chào Luật sư. Tôi nhờ Luật sư hướng dẫn thủ tục hưởng Lương hưu trước niên hạn như sau: Bố tôi sinh năm 1963, đóng BHXH được 21 ~ 22 năm. Hiện tại sức khỏe bố tôi đã giảm sút nhiều không thể tiếp tục lao động (cũng như già yếu không ai thuê). Nay muốn xin giám định y khoa để hưởng lương hưu trước niên hạn thì cần những yêu cầu, thủ tục gì và chế độ hưởng như thế nào? Mong Luật sư giải đáp giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 51 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:
Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;
2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.
Năm nay bố bạn 52 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội được hơn 20 năm. Do đó bố bạn đủ điều kiện được hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Theo Điều 9 Thông tư số 07/2010/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn việc giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định về trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ giám định mức suy giảm khả năng lao động như sau:
1. Người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương có trách nhiệm yêu cầu người lao động hoặc thân nhân người lao động (đối với các trường hợp khám để thực hiện chế độ tử tuất) nộp các giấy tờ có liên quan, lập, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Thông tư này và chuyển hồ sơ giám định của người lao động hoặc thân nhân người lao động đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương.
2. Sau khi tiếp nhận hồ sơ giám định hợp lệ, chậm nhất là trong thời gian 15 ngày làm việc, người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển hồ sơ giám định đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương.
Nếu hồ sơ giám định không hợp lệ, người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người lao động hoặc thân nhân người lao động.
Thành phần hồ sơ được quy định tại khoản 3, Điều 5, bao gồm:
- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, cơ quan BHXH cấp tỉnh cấp giấy giới thiệu theo mẫu quy định;
- Giấy đề nghị giám định theo mẫu quy định;
- Tóm tắt hồ sơ của người lao động theo mẫu quy định.
Về mức lương hưu được hưởng, Điều 52 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.
3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.
Bố bạn 52 tuổi, đóng bảo hiểm được 21 (hoặc 22 năm). Do đó, một cách tương đối, mức lương hưu của bố bạn sẽ bị giảm trừ 8% do nghỉ hưu trước tuổi, thêm 2% (hoặc 4%) do đóng thêm 1 năm ( hoặc 2 năm) bảo hiểm xã hội. Như vậy sẽ là 39% (hoặc 41%) mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trân trọng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất