Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai
Nội dung yêu cầu:
Kính chào quý công ty! Rất cảm ơn quý công ty đã trả lời câu hỏi lần trước của em về vấn đề lấn chiếm đất xây tường rào. Em đã viết đơn đề nghị UBND giải quyết. Vừa rồi UBND xã có xuống hiện trường xem xét và kết luận là anh X đã xây tường rào lấn sang phần đất gia đình em 50- 60cm. Cán bộ xã đã yêu cầu anh X ký cam kết phá bỏ tường rào và xây lại theo đúng GCNQSDĐ. Cho em hỏi thời hạn để anh X thi hành cam kết trên là bao lâu vì lúc đó cán bộ xã không đưa ra thời gian cụ thể. Hiện tại, tường rào vẫn chưa được phá bỏ. Thêm vào đó, sau khi anh X ký cam kết, gia đình em có đo lại thì phát hiện ra công trình phụ đã xây từ trước của gia đình anh X nằm giữa đường ranh giới theo như GCNQSDĐ và móng của công trình đó nằm bên phần đất của gia đình em. Vậy gia đình em có quyền yêu cầu anh X rời công trình phụ đó để xây tường rào không?Nếu xây tường rào theo như cam kết của UBND xã là lùi sang bên phần đất nhà anh X nhưng lại chồng lên móng công trình phụ của gia đình anh X thì gia đình em có vi phạm pháp luật không a? Nếu như anh X khởi kiện thì gia đình em có bị phạt hành chính không? Em xin chân thành cảm ơn và rất mong sớm nhận được sự phản hồi từ quý công ty.
Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của chị được tư vấn như sau:
Theo như chị trình bày, UBND xã đã tiến hành hòa giải và các bên đã hòa giải thành. Vì vậy, các bên phải tiến hành thực hiện đúng nội dung đã tiến hành thỏa thuận.
Phía bên kia hiện không thực hiện đúng nội dung đã cam kết tại UBND xã, nên việc đầu tiền của gia đình là yêu cầu UBND xã can thiệp, yêu cầu bên kia thực hiện. Nếu bị đơn không thực hiện, hoặc cố tình không thực hiện sau khi UBND xã đã yêu cầu thì chị yêu cầu UBND xã xác nhận hòa giải không thành.
Sau khi có biên bản hòa giải không thành, chị chuẩn bị hồ sơ bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, biên bản hòa giải không thành, sổ hộ khẩu, bản cam kết và các tài liệu chứng cứ khác và nộp tài Tòa án nhân dân quận, huyện nơi có thửa đất để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp lý bắt buộc thực hiện ( khác với biên bản hòa giải thành được các bên cam kết tại UBND xã) nên thi hành án sẽ có các biện pháp cưỡng chế bị đơn thực hiện.
Điều 203 Luật đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
“ Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
...”.
Tiếp theo, khi đo đạc lại chị lại tiếp tục phát hiện công trình vệ sinh của gia đình bên kia lại “ lấn” sang đất nhà mình. Vậy, khi này chị lại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trình tự giải quyết tiếp tục theo trình tự chúng tôi tư vấn từ việc hòa giải tại UBND xã, sau đó tại TAND quận, huyện nơi có thửa đất nếu hòa giải không thành. Gia đình có thể làm gộp, tức giải quyết toàn bộ tranh chấp để tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
Luật gia Nguyễn. N. Ánh – Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất