Thủ tục giải quyết khiếu nại về đất đai
Mục lục bài viết
1. Người có quyền khiếu nại về đất đai
Theo khoản 1 Điều 204 Luật đất đai 2013 quy định:“1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.” Theo đó, người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính về quản lý đất đai. Cụ thể:
Người sử dụng đất gồm:
- Hộ gia đình, cá nhân trong nước;
- Tổ chức trong nước gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội…
- Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;
- Cơ sở tôn giáo;
- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất có thể là người được tặng cho quyền sử dụng đất, người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về đất đai
Theo khoản 2 Điều 204 Luật đất đai 2013 quy định: “2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.” Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định riêng về thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai mà việc giải quyết khiếu nại đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật khiếu nại.
Thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai lần đầu:
Bước 1: Nộp đơn khiếu nại
- Người khiếu nại gửi đơn khiếu nại và các chứng cứ, tài liệu cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Bước 2: Xem xét thụ lý giải quyết khiếu nại
- Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì người có thẩm quyề tiếp nhận đơn. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn thuộc thẩm quyền của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc giải quyết. Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.
Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm sau đây:
- Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
- Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4: Tổ chức đối thoại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại
- Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến; cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
Thủ tục khiếu nại đất đai lần hai:
Theo Điều 33 Luật khiếu nại 2011 quy định: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xác minh nội dung khiếu nại và tổ chức đối thoại lần hai. Sau đó ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Nếu người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại có thể khởi kiện vụ án hành chính đến tòa án có thẩm quyền.
Trân trọng!
Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất