Nông Bá Khu

Thủ tục chuyển từ viên chức sang công chức?

Câu hỏi tư vấn: Xin chào Luật sư công ty Luật Minh Gia. Tôi có câu hỏi liên quan đến vấn đề thủ tục chuyển từ viên chức sang công chức như sau: Tôi đi làm tại trường tiểu học ở một huyện từ năm 2005 và là viên chức được bổ nhiệm và xếp ngạch 15.114 - giáo viên tiểu học.

 

Năm 2014 tỉnh có thành lập Đảng ủy khối Doanh nghiệp (là cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy) tôi xin chuyển từ trường học về làm ở Đảng ủy khối Doanh nghiệp, Quyết định thuyên chuyển của tôi do Ban Tổ chức Tỉnh ủy ký và ghi "Quyết định tiếp nhận viên chức", mọi chế độ được hưởng theo quy định hiện hành. Vậy quyết định của BTC Tỉnh ủy ghi như vậy có hợp lý không ? Theo tôi được biết thì trước khi tiếp nhận viên chức về thì BTC Tỉnh ủy phải đề nghị làm thủ tục chuyển ngạch và quyết định phải ghi tiếp nhận và tuyển dụng công chức luôn cho tôi chứ không phải tiếp nhận viên chức về rồi thì mới đề nghị làm thủ tục chuyển sang công chức như vậy có đúng không ? Nếu không đúng thì công ty có thể tư vấn giúp tôi trình tự thủ tục như thế nào ? Xin chân thành cảm ơn !

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Căn cứ theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 42 Nghị định 29/2012/NĐ – CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định về chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức như sau:

“1. Viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự), có trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác và đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, khi cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng thì được xét chuyển vào công

chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức”.

 

Đặc biệt: Tại Khoản 2 Điều 42 có quy định:

 “2. Viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì phải thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức; đồng thời quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm là quyết định tuyển dụng.”

 

Theo như quy định trên thì việc chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ công chức cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thời gian làm việc, trình độ đào tạo, kinh nghiệm công việc,...(Khoản 1). Trong trường hợp của chị căn cứ vào Khoản 2 Điều 42 Nghị định 29/2012/NĐ – CP chúng tôi cho rằng quyết định thuyên chuyển của chị do Ban Tổ chức Tỉnh ủy ký và ghi "Quyết định tiếp nhận viên chức" là không đúng theo quy định của pháp luật mà quyết định này phải được ghi“Quyết định tuyển dụng viên chức”.

 

Tiếp đó, theo quy định tại Điều 58 Luật Viên chức năm 2010 về chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ công chức thì:

“1. Việc chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ công chức được thực hiện như sau:

a)Việc tuyển dụng viên chức vào làm công chức phải thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức. Trường hợp viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 05 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển;

b)Viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm  đồng thời là quyết định tuyển dụng;

c)Viên chức được bổ nhiệm giữ các vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập mà pháp luật quy định là công chức thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm, tiền lương được hưởng theo cơ chế trả lương của đơn vị sự nghiệp công lập, được giữ nguyên chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm, được thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan....”

 

Như vậy với trường hợp của chị thì việc trước khi tiếp nhận viên chức về thì BTC Tỉnh ủy phải đề nghị làm thủ tục chuyển ngạch và quyết định phải ghi tiếp nhận và tuyển dụng công chức luôn cho chị chứ không phải tiếp nhận viên chức về rồi thì mới đề nghị làm thủ tục chuyển sang công chức là không có căn cứ và pháp luật không có điều luật nào quy định rõ về vẫn đề này. Tuy nhiên, căn cứ theo điểm c Khoản 1 Điều 58 thì chỉ những viên chức được bổ nhiệm giữ các vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập mà pháp luật quy định là công chức thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm,...Do đó, trường hợp của chị sẽ áp dụng theo quy định tại Điều 58 khi đáp ứng đủ các điều kiện tương ứng.

 

-Về thủ trình tự thủ tục:

Căn theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ : Quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì chị có thể tham khảo như sau:

 

+Về trình tự:

-Kiểm tra, sát hạch người được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển (Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 10)

-Gửi hồ sơ đề nghị thống nhất việc tiếp nhận (Điểm d Khoản 2 Điều 10)

-Thẩm định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ; thống nhất ý kiến việc tiếp nhận không qua thi tuyển (Khoản 4 Điều 10)

 

+Về hồ sơ:  sẽ áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ.

“3. Hồ sơ đề nghị thống nhất ý kiến đối với các trường hợp tiếp nhận không qua thi tuyển gửi Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương, bao gồm:

a)Công văn đề nghị do người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức ký, trong đó có bản mô tả công việc của vị trí việc làm cần tuyển tương ứng với từng trường hợp đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển; số chỉ tiêu biên chế được giao mà chưa sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tuyển; dự kiến xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đề nghị bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương và trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này;

......

c) Hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển bao gồm:

- Bản sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển đối với trường hợp tiếp nhận quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; bản sơ yếu lý lịch theo mẫu số 2c ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức (sau đây viết tắt là mẫu số 2c), có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển đối với trường hợp tiếp nhận quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

- Bản sao giấy khai sinh;

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;

- Bản sao kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển đối với trường hợp tiếp nhận quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;

- Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp;

- Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác và các hình thức khen thưởng đã đạt được, có nhận xét và xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác đối với trường hợp tiếp nhận quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục chuyển từ viên chức sang công chức?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng./.

Cv Hà Thảo - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169