LS Thanh Hương

Thôi quốc tịch nhập lại được không? Các vấn đề liên quan thế nào?

Xin chào Văn phòng Luật Minh Gia nhờ Luật sư tư vấn về việc thôi Quốc tịch Việt Nam, trở lại quốc tịch Việt Nam và các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài. Hiện tôi đang sống và làm việc tại Nhật Bản. Tôi có ý định xin vào quốc tịch Nhật nên muốn tư vấn một số vấn đề dưới đây:

1) Do luật Nhật không cho phép hai quốc tịch nên tôi sẽ phải bỏ quốc tịch Việt Nam. Xin cho biết sau khi bỏ quốc tịch Việt Nam:

a) Trường hợp tôi về Việt Nam sống và làm việc lâu dài tôi có thể xin giấy cư trú dài hạn 5 năm hay không ?

b) Tôi có thể đứng tên nhiều hơn 1 bất động sản không ?

c) Các loại thuế mà tôi phải chịu khi sống và làm việc tại Việt Nam ?

d) Các rắc rối khác ?

2) Trường hợp tôi xin quay lại quốc tịch Việt Nam.

a) Tôi có phải chờ 5 năm kể từ ngày thôi quốc tịch không ?

b) Theo điều 23.5(a) Luật quốc tịch 2014 , tôi có thể giữ hai quốc tịch Nhật và Việt Nam được . Xin hỏi điều này có đúng không?

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Luật Minh Gia Chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

- Về vấn đề thôi quốc tịch Việt Nam

Nếu đáp ứng được các căn cứ quy định tại Điều 27 Luật Quốc tịch năm 2008 thì bạn sẽ được thôi quốc tịch Việt Nam.

Điều 27. Căn cứ thôi quốc tịch Việt Nam

1. Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.

2. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;

b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;

d) Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;

đ) Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.

3. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

4. Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.

5. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam.

- Đối với trường hợp cư trú dài hạn tại nước ngoài

Về vấn đề bạn hỏi có thể xin giấy cư trú dài hạn 5 năm hay không. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có quy định về vấn đề này như sau:

Điều 36. Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú và ký hiệu thẻ tạm trú

1. Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ được cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3.

2. Người nước ngoài được cấp thị thực có ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ, TT được xét cấp thẻ tạm trú có ký hiệu tương tự ký hiệu thị thực.

Điều 38. Thời hạn thẻ tạm trú

1. Thời hạn thẻ tạm trú được cấp có giá trị ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.

2. Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, ĐT và DH có thời hạn không quá 05 năm.

...

Về ký hiệu thị thực, Điều 8 Luật này cũng có quy định cụ thể , trong đó một số loại thị thực có thời hạn dài nhất là không quá 5 năm được thể hiên như sau:

NG3 - Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.

LV1 - Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

...

Như vậy, nếu muốn về Việt Nam sống và làm việc lâu dài tôi có thể xin cấp thẻ tạm trú phù hợp với mục đích công việc của mình và có thể yêu cầu gia hạn thêm khi thẻ cư trú hết hạn.

- Về vấn đề bạn hỏi việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Vì bạn đã thôi quốc tịch Việt Nam nên sẽ hưởng các chế độ đối với nhà ở Việt Nam như người nước ngoài. Pháp luật có quy định chế độ sở hữu nhà ở dành cho cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Luật Nhà ở 2014 như sau:

Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.

Điều 159. Đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

...

c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Bạn cần lưu ý một số hạn chế đối với việc sở hữu nhà ở được quy định tại Khoản 2, Điều 161 – Luật Nhà ở 2014 như sau:

Điều 161. Quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá hai trăm năm mươi căn nhà.

Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ quy định, cụ thể số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu;

b) Trường hợp được tặng cho, được thừa kế nhà ở không thuộc diện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 159 của Luật này hoặc vượt quá số lượng nhà ở quy định tại điểm a khoản này thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;

Như vậy, bạn vẫn có thể sở hữu nhiều hơn một bất động sản ở Việt Nam, nhưng không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư và không quá hai trăm năm mươi căn nhà đối với nhà đất.

Về các loại thuế bạn sẽ phải nộp ở Việt Nam, bạn sẽ đóng thuế tại Việt Nam với tư cách của người nước ngoài và đóng thuế theo chế độ của cá nhân cư trú. Đó là các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng,…

- Về việc quay trở lại quốc tịch Việt Nam

Trường hợp bạn muốn quay trở lại quốc tịch Việt Nam thì trình tự và thủ tục sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 25 – Luật Quốc tịch:

Điều 25. Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam

1. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nếu cư trú ở trong nước thì nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú, nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định tại Điều 24 của Luật này hoặc không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo ngay để người xin trở lại quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

4. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người đó để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

5. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định. 

Như vậy bạn sẽ không phải đợi 5 năm kể từ khi xin thôi quốc tịch. Vì quy định chỉ được nhập lại quốc tịch sau 5 năm mất quốc tịch chỉ áp dụng đối với trường hợp bị tước quốc tịch: “Trường hợp người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.”

Pháp luật Việt Nam cho phép một người có thể có hai quốc tịch. Tuy nhiên, nếu quốc tịch còn lại của bạn không cho phép điều này thì bạn không thể có thêm quốc thích khác nếu không thôi quốc tịch đó trước. Ở đây, pháp luật Nhật Bản chỉ chấp nhận công dân nước mình có quốc tích duy nhất là quốc tịch Nhật Bản. Vì vậy, bạn không thể vừa mang quốc tịch Việt Nam, vừa mang quốc tích Nhật Bản.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn