Luật sư Trần Khánh Thương

Thời hạn tạm giam để điều tra là bao lâu?

Biện pháp tạm giam là gì? Người nào có thẩm quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam? Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải gồm những nội dung gì? Trình tự, thủ tục bắt bị can, bị cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành? Thời hạn tạm gia để điều tra tối đa là bao lâu?

1. Luật sư tư vấn về biện pháp tạm giam

Biện pháp tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được hình thành rất sớm và có vai trò đặc biệt quan trọng, do cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp luật định nhằm ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi trốn trách pháp luật, cản trở quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Biện pháp tạm giam là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng nên khi bị áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của công dân như quyền bầu cử, ứng cử, quyền tự do đi lại,…Việc áp dụng sai sót, tuỳ tiện biện pháp tạm giam không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giam mà còn làm cho mục đích của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn không đạt được. Do đó, khi bắt bị cáo, bị can để tạm giam phải có lệnh, quyết định của người có thẩm quyền và phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.

Mặc dù biện pháp tạm giam có ý nghĩa quan trọng như thế nhưng trên thực tế không phải bị cáo, bị can nào cũng nắm rõ được quy định liên quan đến biện pháp ngăn chặn này như tạm giam áp dụng với tội nào, ai có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo, thời hạn tạm giam để điều tra,…. để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Trường hợp bạn có vướng mắc liên quan đến biện pháp tạm giam thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Thời hạn tạm giam để điều tra là bao lâu?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Tôi muốn hỏi Luật sư,phạm 2 tội do cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định tạm giam là tội vu khống khoản 2 và tội hủy hoại tài sản khoản 1 thì thời hạn tạm giam tối đa là bao lâu? người nhà tôi đã bị tạm giam từ ngày 20/5/2014 đến bây giờ là đúng hay sai?

 

Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia.

Thời hạn tạm giam để điều tra được quy định và hướng dẫn cụ thể tại Điều 120 bộ Luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11. Nội dung cụ thể như sau:

Điều 120. Thời hạn tạm giam để điều tra

1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh­ư sau:

A) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

B) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

C) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

D) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.

... ...

5. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai quy định tại điểm b khoản 3 Điều này đã hết và vụ án có nhiều tình tiết rất phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn tạm giam lần thứ ba.

Trong trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá bốn tháng.

6. Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho ng­ười bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Theo quy định trên thì thời hạn tạm giam tối đa (sau khi gia hạn) có thể áp dụng đối với người có hành vi phạm tội là:

- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng: 2 + 1 = 3 tháng.

- Đối với tội phạm nghiêm trọng: 3 + 2 + 1 = 6 tháng.

- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng: 4 +3 + 2 = 9 tháng.

- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: 4 + 4 + 4 + 4 = 16 tháng.

Trường hợp người nhà anh phạm hai tội thì thời hạn tạm giam được xác định như sau:

- Tội vu khống (khoản 2 Điều 122 BLHS) có khung hình phạt là từ hai năm đến 7 năm tù, đấy được xác định là tội phạm nghiêm trọng. Thời hạn tạm giam để điều tra tối đa là sáu tháng.

-  Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (khoản 1 Điều 143BLHS) có khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, đây được xác định là tội phạm ít nghiêm trọng. Thời hạn tạm giam tối đa là ba tháng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thời hạn tạm giam để điều tra là bao lâu?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo