Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Mục lục bài viết
1. Luật sư tư vấn về pháp luật Lao động
Chấm dứt hợp đồng là điều tất yếu trong quan hệ lao động, Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (đối với hợp đồng không xác định thời hạn) được coi là quyền của người lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải tùy thuộc vào từng loại hợp đồng khác nhau và có sự khác nhau giữa thời gian báo trước để có thể chấm dứt. Nếu bạn hoặc công ty bạn đang có thắc mắc, chưa hiểu về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hãy gửi thắc mắc của mình đến công ty Luật Minh Gia để được hướng dẫn tư vấn.
2. Hỏi về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Câu hỏi 1:
Nội dung yêu cầu tư vấn: Cho tôi hỏi về thời gian báo trước khi nghỉ việc quy định thế nào? cụ thể: Khi vợ tôi muốn chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn đã ký kết, công ty yêu cầu cô ấy phải thông báo trước 52 ngày (gồm 45 ngày làm việc cộng bảy ngày Chủ nhật). Công ty tính vậy có đúng không? Tôi xin cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:
“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Như vậy, khi vợ bạn muốn chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty phải báo trước cho công ty ít nhất 45 ngày làm việc. Việc công ty yêu cầu vợ bạn phải thông báo trước 52 ngày gồm 45 ngày làm việc cộng 7 ngày chủ nhật là không đúng với quy định của pháp luật.
Câu hỏi 2: Ký kết hợp đồng lao động với người cao tuổi có phải đóng bảo hiểm xã hội?
Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin chào Luật sư; rất mong luật sư giúp chúng tôi một trường hợp ký HĐLĐ người cao tuổi cụ thể như sau: Đơn vị chúng tôi có thuê 01 người cao tuổi đã ngoài 60 tuổi, người này là dân bình thường tại địa phương nơi chúng tôi làm việc, còn đủ sức khỏe để làm công tác bảo vệ cơ quan vào ban đêm. Vậy xin hỏi chúng tôi có phải tham gia BHXH cho người đó không? Xin chân thành cảm ơn Luật sư!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội như sau:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
...”
Như vậy, người lao động là người cao tuổi làm việc theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên cần lưu ý đến trường hợp quy định tại Khoản 9 Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:“9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.” Như vậy, người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng mà giao kết hợp đồng với công ty thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo khoản 2 Điều 149 Bộ luật lao động 2019 quy định: “2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.” Như vậy, công ty không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu nhưng phải chi trả tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động cho người lao động cao tuổi.
Trân trọng!
Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất